Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị liên quan được tổ chức tại TP.HCM, chiều 14/6. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”.
Xe chở tiền được thanh lý
Tại hội thảo, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.
Theo ông Phớc, trước đây, kho bạc có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt đang rất phát triển nên kho để không, xe thanh lý hết.
Cũng theo ông Phớc, về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang liên tục phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Đến nay, hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.
Đến nay, có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.
“Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách Nhà nước. Năm 2023, tỷ lệ thu - chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu - chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước”, ông Phớc nói.
Số tiền bị lừa qua mạng rất lớn
Theo các chuyên gia, dù thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất nhanh và mạnh nhưng kéo theo đó là tình trạng lừa đảo cũng gia tăng.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước.
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng trong năm 2023 là khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Theo thống kê, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Theo ông Giang, thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân là do các nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới và lợi dụng kẽ hở pháp luật.
Tội phạm hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, lợi dụng khoa học, công nghệ để tấn công người dùng. Tội phạm thường trú ngụ tại các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar… Trong đó, kẻ cầm đầu thường là người nước ngoài.
Ngoài ra, việc người dùng mạng xã hội thiếu ý thức, thiếu cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.
Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn lừa đảo.
Để ngăn chặn hoạt động lừa đảo trực tuyến, A05 – Bộ Công an đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia để cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng, dự kiến ra mắt trong quý 3/2024.
Trong năm 2023, A05 đã xác minh và phát hiện nhiều vụ tin tặc, gián điệp mạng đánh cắp và mã hóa một lượng lớn dữ liệu quan trọng. Đồng thời, đơn vị này đã phối hợp với công an các địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Một số vụ án điển hình như: phối hợp với Công an Quảng Bình triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.800 tỷ đồng; hay Công an TP.HCM và Bắc Giang lần lượt triệt phá các ổ nhóm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…
A05 – Bộ Công an đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo.
- Tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
- Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ.
- Tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân.
- Cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng.
Ngoài sự cảnh giác của người dân, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp liên quan. Người dân cần hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn của kẻ lừa đảo và trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng, chống các hoạt động này.
Bình luận