Chị Trần Thị Mây (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mấy năm nay, rộ lên tin đồn bánh chưng được luộc chung với pin cho mau chín và xanh lá khiến gia đình chị không khỏi lo âu.
Nhà bác Lê sum họp gói bánh chưng
Theo chị Mây, những ngày gần Tết, mỗi ngày một lò làm bánh sản xuất ra hàng trăm, hàng nghìn chiếc bánh chưng. Vậy làm gì có thời gian, nhân lực cũng như diện tích để có thể ‘sản xuất sạch’ nhiều bánh như thế?
“Theo tôi biết, một chiếc nồi loại nồi 50 (nồi lớn) thì cũng chỉ xếp được tối đa khoảng gần 40 chiếc bánh chưng mà thôi. Luộc bánh chưng muốn rền, ngon thì từ lúc sôi cho đến lúc tắt bếp phải đủ 12 tiếng, sau đó tiếp tục để ngâm bánh trong nồi thêm vài tiếng. Vậy lò làm bánh làm sao xoay xở được? Tôi từng nghe nói rằng luộc với pin, bánh chưng chỉ vài tiếng là rền rồi. Như vậy tôi thấy logic hơn”, chị Mây cho hay.
Cùng nỗi lo như chị Mây, chị Ngà (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) cho biết: “Năm kia, chính chị đã bóc một chiếc bánh chưng mua ngoài chợ và thấy ‘vật thể lạ’. Cả nhà xúm vào nhìn cho kỹ thì phát hiện ra đó là mẩu chì nhỏ của pin chứ không phải sạn đơn thuần. Sợ quá, nhà chị vứt hết bánh đi. Đến nhà ai, được quảng cáo rằng bánh tự tay gói hay mang từ quê lên mới dám ăn”.
Do lo sợ bánh chưng luộc với pin cho mau chín, nên nhiều gia đình tại Hà Nội lựa chọn cách tự gói bánh chưng để ăn Tết.
Nhà bác Lê, bác Tuyến (Hoàng Mai, Hà Nội) từ nhiều năm nay đều “tự cung tự cấp” bánh chưng cho cả gia đình.
Theo bác Lê, gói bánh chưng vốn là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Ngày Tết gói bánh chưng cũng là trở thành một phong tục, nét đẹp của người Việt Nam.
“Thực ra, gói bánh chưng rất đơn giản, việc chuẩn bị gạo, đỗ, lá dong cũng không quá cầu kỳ. Gói bánh chưng cũng là cơ hội để mọi người trong gia đình sum vầy, nhất là tạo được không khí Tết cho trẻ con”, bác Lê cho hay.
Năm nay nhà bác Lê gói khoảng 40 chiếc bánh chưng cho gia đình bác và gia đình của các em bác.
“Thời gian pha trộn các loại nguyên liệu như nếp, nhân đậu xanh, trộn thịt mỡ, hành, hạt tiêu... cũng là lúc mọi người có thể quay quần trong câu chuyện giòn tan. Hơn thế nữa, nồi bánh chưng được đặt lên bếp than gần như hết đêm, cũng là khoảng thời gian mọi người tâm sự cạnh ánh lửa hồng, hết sức thú vị”, bác Lê nói.
Trong đó, tại các cơ sở làm bánh chưng đến thời điểm này đã hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, treo biển nhận đặt bánh chưng và sẽ không nhận đặt hàng từ sau 20 tháng Chạp âm lịch…
Năm nay, loại bánh chưng gấc có vị ngọt đậm đà, vỏ màu xanh, ruột đỏ gấc, tượng trưng cho sự phú quý, phát tài, có giá 70.000- 80.000 đồng/chiếc được nhiều gia đình chọn mua.
Ngoài ra, bánh chưng nếp cẩm có nguồn gốc của người Tày, vỏ bánh màu đen tím, mềm và dẻo, nhân bánh gồm hành, thịt mỡ, hạt tiêu và đậu xanh trộn lẫn, có vị lạ khác hẳn với bánh chưng của người Hà Nội. Với hương vị thanh mát đặc trưng, nhờ được ngâm tro khử chua, nóng của gạo nếp, nên người ăn sẽ không có cảm giác bị ngán khi ăn bánh chưng cẩm.
Bên cạnh đó, tại các cửa hàng tại phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm- con phố nổi tiếng chuyên bán bánh cốm còn sản xuất thêm các loại bánh chưng cốm màu xanh, vàng với 3 loại mặn, ngọt, chay. Nhân bánh chưng cốm thường là nhân ngọt, đỗ xanh, có thêm thịt nạc, giá 80.000 - 120.000 đồng/chiếc.
Thị trường bánh chưng năm nay còn có bánh chưng chay, nhân làm bằng đỗ xanh đồ, trộn với nấm hương, có giá từ 40.000 – 50.000 đồng chiếc, bánh chưng gấc chay từ 35.000 - 75.000 đồng/chiếc, bánh chưng nếp cẩm chay có giá 45.000 đồng/chiếc.
Bình luận