Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý về tiến độ thi công tại một số dự án giao thông còn chậm. Trong đó, Phó Thủ tướng nêu các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận...
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chậm trễ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dự án Cát Linh - Hà Đông chỉ còn một số vướng mắc nhỏ. Hiện nay, công tác xử lý những vướng mắc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. "Vì thế Bộ cần sớm giải quyết đưa dự án vào khai thác vì người dân đang mong mỏi tuyến đường sắt này hoàn thành để sử dụng", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tháng 10/2019, trong chuyến thị sát dự án này, ông yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ, khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm 2019.
Cũng tại chuyến khảo sát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc trao đổi nhanh với ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề an toàn phải là số một, nhưng cũng cần đẩy nhanh tiến độ bởi như hiện nay là quá chậm so với sự chờ đợi của người dân.
Báo cáo thêm về dự án tại cuộc họp sau đó với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án Cát Linh - Hà Đông đã được chạy thử nghiệm vào tháng 9/2018 để kiểm tra các thiết bị kỹ thuật nhưng việc này kéo dài hơn một năm nay, như vậy là kéo dài quá mức so với yêu cầu của người dân.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD); thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.
Bình luận