Đại úy công an mặc dân vật lộn với cướp: Nhiều độc giả đề nghị cho ra khỏi ngành

Ý kiếnThứ Ba, 18/05/2021 15:35:00 +07:00
(VTC News) -

“Cảnh cáo là quá nhẹ, cần cho ra khỏi ngành vì làm xấu hình ảnh Công an nhân dân Việt Nam” là ý kiến của đại đa số độc giả về chiến sỹ bỏ mặc dân vật lộn với cướp.

Video: Công an thản nhiên đứng gọi điện thoại mặc dân vật lộn với tên cướp

Trong gần 1.000 bình luận phản hồi các bài viết về sự việc Đại úy công an Nguyễn Thanh Lâm thản nhiên gọi điện thoại mặc tài xế taxi đang vật lộn với tên cướp đâm mình trọng thương, đại đa số đều không hài lòng với mức kỷ luật cảnh cáo mà Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đưa ra. Theo họ, cần tước quân tịch, loại bỏ khỏi hàng ngũ công an đối với trường hợp này.

Độc giả Lê Xuân Hà gay gắt: “Kỷ luật ở mức cảnh cáo là quá nhẹ, như gãi ghẻ vậy thôi sao? Trong tình huống kẻ tội phạm đã dùng dao đâm tài xế taxi máu chảy đầm đìa, anh ấy sẽ yếu sức dần nếu hắn ta vùng dậy được, có thể sẽ bị đâm chết. Đại úy  công an chứng kiến việc này mà coi như không có chuyện gì nghiêm trọng, hay là anh ta sợ chết? Làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, phải đuổi khỏi ngành mới đúng”.

Đại úy công an mặc dân vật lộn với cướp: Nhiều độc giả đề nghị cho ra khỏi ngành - 1

(Hình ảnh cắt từ clip).

Vũ Thị Vui có cùng thái độ: “Tôi không hiểu nổi tại sao lại cảnh cáo đại úy công an này. Chẳng lý do gì không tước quân tịch, loại khỏi ngành và thông báo rộng rãi trên báo chí để yên lòng nhân dân".

“Nên cho ra khỏi ngành. Trong khi hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ công an đang cùng với dân và các lực lượng khác vật lộn với dịch COVID-19 suốt ngày đêm thì có những người bàng quan vô cảm thế này”, Vũ Bình viết.

“Anh công an này không xứng đáng với sứ mệnh của mình nữa rồi, quần áo anh mặc, sao trên vai, trên mũ rõ ràng đã trao nhầm người… Thế này mà chỉ cảnh cáo ai nghe được? Cần loại bỏ ra khỏi lực lượng thôi. Nếu có chút danh dự, biết xấu hổ với đời, tôi nghĩ anh công an này nên tự giác viết đơn ra khỏi ngành đi cho nhanh. Anh không bảo vệ được ai đâu anh đại úy à”, Công Lý viết.

Phan Anh có cùng quan điểm: “Ông đấy chọn nhầm ngành, và ngành chọn nhầm người. Cho ông ấy làm việc khác, rời khỏi ngành đi”.

Nhiều độc giả khác cũng gửi những bình luận đầy cảm xúc và tâm huyết về sự đau lòng của họ trước sự việc và sự cần thiết của việc loại khỏi đội ngũ Công an nhân dân những người như Đại úy Lâm:

Ngô Lịch: Anh công an đứng nhìn người dân gặp nạn mà vô cảm. Phải lên án và đề nghị ngành Công an nói chung và Công an Thanh Oai nói riêng không nên để đại úy này trong ngành vì quá mất lòng tin của dân. Anh được dân nuôi mấy năm học chuyên ngành mà vô cảm vậy. Có kỹ năng bắt cướp, có kỹ năng tự bảo vệ mà đứng nhìn và bấm điện thoại! Anh tài xế taxi bị đâm trọng thương vẫn khống chế được tên cướp mà anh thì đừng nhìn? Đất nước hòa bình, anh được Nhà nước giao bảo vệ yên bình cho dân, như thế này thì anh bảo vệ ai? Mong anh đừng khoác bộ quần áo công an nữa, chuyển ngành khác để hình ảnh chiến sĩ công an luôn đẹp trong mắt người dân. Anh làm mất hình ảnh của ngành Công an quá.

Nguyễn Nhật Đãng: Mỗi khi nhìn hình ảnh đó, ai có thể bình tĩnh được? Vô cảm đến mức không thể tưởng tượng được.

Vũ Thủy: Chắc do anh đại úy công an này sợ cướp đấy các bạn ạ. Buồn.

V .N T.: Cho về cơ quan 6 tháng ngồi chép những qui định, điều lệ của Công an nhân dân với lời dạy của Bác Hồ với Công an nhân dân, như kiểu học sinh chép bài vì không thuộc bài.

Hoàng Văn Hậu: Ngành Công an nên đưa sự việc này ra toàn ngành để làm bài học giáo dục cho cán bộ chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu "Công an nhân dân Việt Nam vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Người này không thể có chỗ đứng trong lực lượng công an mà chỉ làm xấu hình ảnh người mang trên mình sắc phục của ngành, được người dân tin cậy trong những tình huống cần đến họ nhất.

Mào Và Chòe: Tôi thấy phản cảm quá. Đối với hành vi cướp giật tài sản mà người dân nhìn thấy còn có thể bắt giữ giao nộp cho công an; đằng này một người thực thi pháp luật lại như vậy.

Nam: Anh ta giải trình là đang gọi cho công an tới giúp, nhưng sao không cùng tài xế taxi kia khống chế tên cướp rồi hãy gọi? Thật đáng buồn.

Việt Anh: Trong trường, anh ấy được học võ, học tấn công, học đối phó với tội phạm, vậy mà khi gặp kẻ cướp lại thản nhiên đứng gọi điện.

Ý kiến của bạn về sự việc này thế nào? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Minh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn