• Zalo

Đại sứ Việt Nam tại Israel: Người Việt thích ứng nhanh với chiến sự ở Dải Gaza

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 20/10/2023 14:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Khi xung đột trên dải Gaza đã bước sang ngày thứ 12 và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, người Việt tại Israel phải cố gắng thích nghi với tình hình mới.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung trả lời VTC News. 

Tính đến 20/10, hoạt động quân sự của Israel và Hamas xung quanh khu vực dải Gaza vẫn tiếp tục diễn ra. Hơn 1.300 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas, bao gồm cả người nước ngoài. Israel cho biết Hamas vẫn đang giam giữ ít nhất 199 con tin bị bắt cóc từ Israel. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine ở Gaza cho biết hôm 18/10, ít nhất 3.000 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ khi giao tranh bắt đầu.

VTC News đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung về tình hình cộng đồng người Việt cũng như những diễn biến liên quan trong thời gian gần đây.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung.

- Xin Đại sứ cho biết, sau 12 ngày kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Lực lượng Hamas vào Israel, tình hình tại các điểm nóng hiện nay như thế nào?

Từ sáng 7/10, lực lượng Hamas từ Gaza phá hàng rào tràn vào lãnh thổ Israel. Sau đó họ tiến hành tấn công các đơn vị hành chính khác nhau ở trên đất Israel và cũng đã nhanh chóng chiếm được khoảng 30 cộng đồng dân cư - những nơi còn gọi là kibbutz mà người dân tập trung chủ yếu làm nông nghiệp - giống như hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam.  

Mức độ tàn phá và thương vong rất lớn, khoảng 1.500 người chết, 3.500 người bị thương.   

Khi đợt tấn công nổ ra khoảng 3 ngày, Israel kiểm soát được tình hình và đưa các lực lượng đến tiếp tục tìm kiếm các thành phần của lực lượng Hamas, xử lý hiện trường, cứu trợ và xác định các nạn nhân. Cho đến nay tình hình đã có thể kiểm soát được nhưng hậu quả còn nặng nề, nhà cửa bị phá hủy gần hết. Khoảng 10.000 người dân ở khu vực đó đang di trú, chưa biết bao giờ có thể trở lại. Sau này quá trình xây dựng lại chắc sẽ mất nhiều thời gian và công sức.  

Trong khi đó, các đợt bắn rocket vào dải Gaza vẫn liên tiếp, dù tần suất giảm hơn so với những ngày đầu - tập trung vào chủ yếu 3 khu vực - khu tiếp giáp dải Gaza (từng bị tấn công trước đó), sau đó là các khu vực cách 40km, 80km. Như vậy ở các thành phố lớn như Tel Aviv và Jerusalem vẫn thường xuyên (ở Tel Aviv khoảng 2 lần/ngày còn ở Jerusalem nhiều hơn) có còi báo động để tránh tên lửa từ Gaza.  

Đến tận hôm qua tình hình vẫn tương đối nóng.

Các cuộc tấn công xung quanh khu vực dải Gaza vẫn tiếp tục diễn ra.

Các cuộc tấn công xung quanh khu vực dải Gaza vẫn tiếp tục diễn ra.

- Người Việt ta ở lsrael bị ảnh hưởng thế nào vì xung đột này, thưa Đại sứ?

Tổng số người Việt ta ở Israel khoảng 700 người, 500 người có quốc tịch Việt Nam từng sinh sống và làm việc thời gian dài, bên cạnh đó có 80 lao động từng sang lao động theo hợp đồng 5 năm, 120 tu nghiệp sinh nông nghiệp đang học tập và thực hành về nông nghiệp công nghệ cao...

Ngoài ra có 16 học sinh - sinh viên, nghiên cứu sinh từ trình độ THPT đến tiến sĩ học tập tại Israel, khoảng 10 lao động kĩ năng cao làm việc cho các cơ quan tổ chức Israel.

Các cuộc chiến gây đau thương và thiệt hại về kinh tế xã hội, bên cạnh đó cũng gây ra khó khăn, phiền toái cho những người liên quan và ở giữa các cuộc xung đột.

Về cuộc sống và công việc của người Việt thì hiện Israel đã tuyên bố tình trạng thời chiến, nên mọi người cũng luôn nhận được những khuyến cáo và hướng dẫn kịp thời về những việc cần biết, những nơi có thể ẩn náu. Dù có các hệ thống phòng vệ nhưng các mảnh vỡ rocket cũng có thể gây sát thương, nên bà con cũng luôn phải cẩn thận.  

Nhìn chung những điều này ảnh hưởng đến tâm lý mọi người, nên đây cũng không phải những ngày như ngày bình thường. Nhưng cuộc sống vẫn phải diễn ra, nên chúng ta vẫn phải duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức có thể, không để kinh tế trì trệ.  

Nếu nói về những thiệt hại có thể đong đếm được thì đến nay Israel tính toán thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ USD.

Những người Việt Nam ở đây, nếu mới sang thì có lo lắng một chút. Còn người đã ở lâu năm về cơ bản tâm lý khá ổn định, vì họ cũng từng chứng kiến những giai đoạn chiến sự trước đây.

Nhiều quốc gia sơ tán người dân về nước khi xung đột diễn ra.

Nhiều quốc gia sơ tán người dân về nước khi xung đột diễn ra. 

Bản thân Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nên chúng ta cũng có bản lĩnh và sự thích ứng nhanh trong khó khăn. Nó như nằm trong máu thịt rồi.

Có trường hợp có 5 em sinh viên nữ ở gần dải Gaza (cách 9 km) ban đầu cũng sốc và lo lắng khi chiến sự nổ ra, nhưng đến khi được trao đổi thông tin và Đại sứ quán hỗ trợ, quen dần với tình hình, được sắp xếp chuyển đến nơi khác thì các em cũng không còn sợ và nói rằng có thể ở lại.

Các em ấy đã thích nghi rất nhanh, trong tình huống có thông báo nguy hiểm thì dùng đồ đạc, bàn ghế chặn cửa, cố gắng tránh xâm nhập từ bên ngoài vào.

Cho đến nay có khoảng 100 người Việt đã về nước - bao gồm khách du lịch, công tác ngắn hạn và học sinh sinh viên.  

Tuy nhiên đợt tấn công này cũng có thể nói là chưa từng có, với những hậu quả nặng nề nhất trong 50 năm qua, nên cuộc sống của mọi người cũng bị ảnh hưởng. Bà con ta gắn bó tình cảm với Israel luôn mong muốn chiến sự sớm kết thúc để góp phần vào quá trình ổn định lại, mong quay trở lại cuộc sống bình thường như trước kia. 

- Hiện cộng đồng người Việt ta tại Israel đã có những hoạt động, kịch bản gì chuẩn bị cho chiều hướng căng thẳng leo thang?  

Người dân Israel cũng nói đây là một cuộc chiến, xung đột đã kéo dài trong lịch sử. Hàng năm có ít nhất khoảng 2 đợt xung đột mà người dân ở Israel và người nước ngoài ở đây phải trải qua, nên họ có phương án hành động, trú ẩn ngay lập tức, làm theo hướng dẫn của các cơ quan sở tại.  

Đối với đợt này, Israel đã có những kế hoạch thể hiện quyết tâm cao. Với họ, hậu quả (của cuộc tấn công) quá lớn, họ đánh giá như thảm họa Holocaust lần thứ 2, hay như thảm hoạ 11/9 của Israel, nên họ tính toán thời gian trở lại cuộc sống bình thường tương đối dài. Hiện nay có thể thấy dù xung đột sắp bước sang tuần thứ 3 thì mọi sự vẫn đang ở phía trước.

Cộng đồng người Việt Nam ta cũng đã có những phương án dự phòng. Đại sứ quán theo chỉ đạo cũng đã khuyến cáo công dân trong thời gian phù hợp nhất có thể rời khỏi các khu vực điểm nóng, để quay trở lại sau khi tình hình ổn định. Đồng bào ta luôn giữ tinh thần lạc quan, một số người vẫn tổ chức các hoạt động kinh doanh, buôn bán và cuộc sống tương đối bình thường. Một là vì họ cũng quen rồi, hai là cũng tin tưởng vào năng lực của lực lượng quốc phòng Israel.

Nhìn rộng ra, các lực lượng Israel đang chuẩn bị hối hả cho một kế hoạch có thể rất lớn trong thời gian tới, khi họ đã huy động lực lượng dự bị.  

Thiệt hại do các cuộc tấn công gây ra ở Israel nhìn từ vệ tinh.

Thiệt hại do các cuộc tấn công gây ra ở Israel nhìn từ vệ tinh. 

- Tình hình ảnh hưởng thế nào tới các hoạt động giao thương, hợp tác giữa hai nước?

Có thể nói là dù trong hoàn cảnh nào thì quan hệ hai nước vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển, dựa trên các khuôn khổ hợp tác mà hai nước đã triển khai trong vòng 30 năm qua. Năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng ta cũng đã có rất nhiều hoạt động kỷ niệm quan hệ song phương.

Chúng ta cũng đã ký hiệp định thương mại tự do giữa hai nước để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, doanh nghiệp ngày càng tiếp cận với nhau nhiều hơn, tốt hơn và thuận lợi hơn. Với tư cách cơ quan đại diện thì chúng tôi vẫn thúc đẩy các hoạt động và mối quan hệ đó.

Cũng mong khi thời điểm khó khăn qua đi thì các doanh nghiệp trong nước cũng sẵn sàng tham gia vào hỗ trợ Israel ổn định lại tình hình, như trong các hoạt động xây dựng lại các kibbutz bị phá hủy trong thời gian vừa qua.  

Trong những hoàn cảnh khó khăn này thì mọi người có cách tiếp cận khác nhau, nhưng với tâm lý người dân ở mọi nơi trên thế giới thì trước tiên vẫn là làm sao để xung đột sớm kết thúc, sau đó có thể sẵn sàng khôi phục. Chúng ta vẫn nhớ ngày xưa Việt Nam có hình ảnh tay súng, tay cày, nên dù khó khăn thế nào vẫn phải duy trì sản xuất để chuẩn bị sẵn sàng cho thời gian khi chiến tranh qua đi.   

- Đại sứ quán gặp khó khăn trong hoạt động khi xung đột xảy ra không và đã khắc phục thế nào để thích nghi với tình hình mới?

Ngay từ khi xung đột nổ ra, đánh giá mức độ nghiêm trọng, cơ quan đại sứ quán đã chỉ định cơ chế làm việc từ xa như thời COVID-19. Các cuộc họp online của chúng tôi diễn ra gần như hàng ngày. Bạn cũng có thể vừa nghe thấy tiếng chuông báo động vang lên khi chúng ta đang nói chuyện. Đây là đợt thứ hai trong ngày hôm nay, nhưng rocket này là bắn vào phía sát Dải Gaza chứ chưa lên đến các khu vực ở phía trên.  

Chúng tôi trao đổi và cập nhật thông tin thường xuyên qua các kênh, hội nhóm và mạng xã hội, cung cấp thông tin cho người dân và cũng nhận được thông tin từ những người sinh sống ở đây lâu năm. Chúng tôi cân bằng trong khuyến cáo và động viên, khuyến khích đồng bào ổn định tâm lý, sẵn sàng có biện pháp ứng phó với tình hình khẩn cấp, trước tiên là cố gắng bảo vệ bản thân mình rồi giúp đỡ người khác.  

Về cá nhân tôi, 6h30 sáng 7/10, tôi nghe thấy tiếng báo động rocket và cũng giật mình tỉnh dậy. Cảm nhận ban đầu thì tôi cũng khá bình tĩnh vì đã trải qua lần thứ 3 rồi, nhưng khoảng 3-4 tiếng sau khi các thông tin đổ đến thì chúng tôi nhận thấy mức độ nghiêm trọng rất cao, và khoảng 5 tiếng sau là có quan ngại trong việc đi lại giữa Việt Nam và Israel.  

Ngay lập tức thì chúng tôi cũng phải xin ý kiến các nơi, trao đổi với các cơ sở nước bạn, đưa ra những quyết định khuyến cáo các đoàn công tác trong nước điều chỉnh lịch trình, sau đó rà soát các đoàn công tác, du lịch ở Israel để họ tìm nơi tránh trú.  

Các chuyến bay đến và đi từ Israel bị hạn chế trong bối cảnh xung đột.

Các chuyến bay đến và đi từ Israel bị hạn chế trong bối cảnh xung đột. 

Cùng là Israel nhưng còn tùy khu vực, có những thành phố rocket không bắn đến được và vẫn có thể được coi là an toàn, thì chúng tôi khuyến cáo họ tạm thời ở đó và theo dõi rồi liên hệ với các cơ quan để dần đưa mọi người về nước trong thời gian phù hợp.  

Những ngày từ 7-13/10, công việc rất căng thẳng, vì mọi thứ đều có thể nói là chưa từng xảy ra, các chuyến bay liên tục thay đổi, điều phối quản lý thông tin rất căng, bên cạnh đó cũng phải tránh bom, tránh rocket bắn vào, tương đối xáo trộn. Nhiều anh chị em từ ngày 8-12/10 khó có giấc ngủ ngon. Từ ngày thứ 3 trở đi khi Israel kiểm soát được khu vực miền nam và phần nào miền bắc thì tình hình mới ổn định hơn. Mọi người nắm được tần suất hoạt động và công tác tổ chức trong cơ quan, tần suất làm việc cũng giảm.   

Phan Sương - Phương Anh - Mạnh Cường
Bình luận
vtcnews.vn