Chỉ vài ngày sau khi cuộc tấn công của Hamas châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Trung Đông, các chuyến hàng vũ khí của Mỹ bắt đầu đến Israel: Bom thông minh, đạn dược và thiết bị đánh chặn cho hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt. Vũ khí Mỹ cung cấp cho Israel sẽ tăng thời gian tới.
Nhu cầu tăng vọt
Xung đột Israel - Hamas chỉ là động lực mới nhất đằng sau sự bùng nổ về doanh số bán vũ khí quốc tế. Doanh số bán hàng tăng vọt mang lại cho chính quyền Tổng thống Joe Biden những cơ hội mới để thắt chặt hợp tác quốc phòng giữa Mỹ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với các nước. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới, nguy cơ leo thang các cuộc chiến tiếp theo.
Ngay cả trước khi Israel tấn công đáp trả Hamas, xung đột Nga - Ukraine và mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc thúc đẩy thế giới đổ xô mua máy bay chiến đấu, tên lửa, xe tăng, pháo binh, đạn dược và các thiết bị sát thương khác. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường vũ khí toàn cầu. Các quốc gia vốn sở hữu vũ khí chất lượng cũng phải mở hầu bao mua những khí tài mới, duy trì tính cạnh tranh.
Việc thúc đẩy cung cấp thêm vũ khí của Mỹ cho Israel diễn ra trong bối cảnh các nhà thầu quân sự ở Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu cho Ukraine và hỗ trợ năng lực phòng vệ cho các đồng minh khác ở châu Âu như Ba Lan.
Trong khi đó, hàng tỷ USD đơn đặt hàng đang chờ xử lý từ các đồng minh ở châu Á, do nguy cơ mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới năm ngoái - cho vũ khí, nhân sự và các chi phí khác, đạt 2,2 nghìn tỷ USD, mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.
Công nhân chế tạo máy bay chiến đấu F-15 tại nhà máy Boeing ở St. Louis. (Ảnh: New York Times)
Không tính con số tại Mỹ, Trung Quốc và Nga, chi tiêu mua sắm quân sự trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 241 tỷ USD vào năm tới, tăng 23% kể từ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất trong hai năm.
Năm ngoái, Mỹ chiếm khoảng 45% lượng xuất khẩu vũ khí của thế giới, mức cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tỷ lệ này tăng từ 30% một thập kỷ trước.
Nhu cầu lớn về vũ khí cũng đã hối thúc các quốc gia sản xuất vũ khí khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc tăng xuất khẩu. Điều đó mang lại cho khách hàng nhiều lựa chọn vào thời điểm sản lượng ở Mỹ thiếu hụt.
Ba Lan đang tự trang bị vũ khí mạnh mẽ hơn để đối đầu với các mối đe dọa từ Nga. Trong khi đó, Indonesia từng là khách hàng của Nga, đang chuyển sang mua nhiều vũ khí hơn từ phương Tây. Và các quốc gia ở Trung Đông, từ Israel đến Ả Rập Xê-út, tiếp tục là những khách hàng lớn mua vũ khí của Mỹ. Đơn đặt hàng tăng trở lại khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.
Việc mua vũ khí tăng vọt gây ra mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng xảy ra xung đột quân sự với quy mô và tính chất nguy hiểm hơn cả những cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông.
Michael Klare, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ cho biết: “Chúng ta đang sống trong thế giới rất mong manh, nơi có nhiều xung đột chưa được giải quyết. Có nguy cơ việc bán vũ khí sẽ làm trầm trọng thêm xung đột trong khu vực, dẫn đến bùng nổ chiến tranh giữa các cường quốc”.
Đối với các nhà thầu quân sự lớn, sự gia tăng nhu cầu mua vũ khí sẽ giúp họ tăng doanh thu.
Việc thúc đẩy hiện đại hóa kho vũ khí quân sự cũng đã tạo ra cơ hội để Mỹ gây ảnh hưởng, tạo dựng liên minh hợp tác quân sự với các nước. Washington đang bắt đầu tiếp cận khách hàng mới như Ấn Độ và Indonesia, đồng thời bán nhiều hơn cho đồng minh và người mua hiện tại. Việc mua các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất thường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với quân đội Mỹ về bảo trì, nâng cấp quan hệ song phương.
UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ trưng bày tại căn cứ không quân ở Lithuania năm ngoái. (Ảnh: Getty)
Nhu cầu từ châu Âu và châu Á
Bên cạnh Ukraine, Ba Lan được xem là thị trường màu mỡ cho các nhà thầu lớn của Mỹ và các quốc gia khác. Tổng thống Andrzej Duda tháng trước tuyên bố Ba Lan sẽ chi hơn 4% GDP cho quốc phòng, gấp đôi con số mà quốc gia này cam kết với NATO.
Kể từ tháng 1, Ba Lan được cấp quyền mua 41,7 tỷ USD vũ khí từ Mỹ, bao gồm hệ thống tên lửa HIMARS và Hellfire của Lockheed (10 tỷ USD), hệ thống Phòng không và Phòng thủ Tên lửa tích hợp của Raytheon (15 tỷ USD) và 96 trực thăng tấn công Apache của Boeing (12 tỷ USD).
Thậm chí, giới chức ở Ba Lan cho biết, Ba Lan cần nhiều vũ khí mà các nhà thầu Mỹ không thể giao hàng nhanh chóng. Do đó, nước này cũng tính đến Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để cân nhắc các hợp đồng mua vũ khí.
Năm ngoái, Ba Lan đã đạt được thỏa thuận trị giá 14 tỷ USD với Hàn Quốc khi nước này có kế hoạch mua tới 1.000 xe tăng, 48 máy bay chiến đấu và 672 pháo tự hành. Chỉ riêng đơn đặt hàng đó của Ba Lan đã lớn hơn tất cả số xe tăng hiện có trong quân đội Đức, Anh và Pháp cộng lại.
Khi Lockheed đang phải giải quyết một lượng lớn đơn đặt hàng tồn đọng, không thể giao tên lửa theo thời gian mà Ba Lan đã yêu cầu vào năm ngoái, Ba Lan chuyển sang Hàn Quốc để mua các bệ phóng tên lửa tương tự như hệ thống HIMARS của Lockheed.
Bệ phóng tên lửa đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất đã đến Ba Lan vào tháng 8, chưa đầy một năm sau khi thỏa thuận được ký kết. Lockheed mất bốn năm để giao bệ phóng tên lửa HIMARS đầu tiên cho Ba Lan.
Ba Lan cũng đã bổ sung Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách các nhà cung cấp vũ khí, mua máy bay không người lái có vũ trang do Baykar, một công ty sản xuất phụ tùng ô tô trước đây chuyển sang làm nhà thầu quân sự, sản xuất chiếc đầu tiên vào năm ngoái.
Theo Soner Cagaptay, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, các nhà sản xuất UAV của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã bán UAV cho ít nhất 29 quốc gia và được sử dụng tại các vùng chiến sự ở Libya, Syria, Ethiopia, Somalia và Azerbaijan.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện sức mạnh của mình trên toàn cầu thông qua việc bán vũ khí”, ông Cagaptay nói, cho biết nước này hiện là nhà buôn vũ khí lớn thứ 11 thế giới, tăng từ vị trí thứ 18 thập kỷ trước.
Chính quyền Biden đang tận dụng nhu cầu vũ khí do Mỹ sản xuất từ các nước để thúc đẩy ảnh hưởng về mặt ngoại giao, đặc biệt là ở châu Á, nơi Washington đang nỗ lực củng cố các liên minh như một đối trọng trước sức mạnh ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Indonesia đã ký hợp đồng vào năm 2018 để mua máy bay chiến đấu Su-35S của Nga. Sau đó, nước này rút lui khỏi thỏa thuận và thay vào đó quay sang mua vũ khí phương Tây: Gần đây, Indonesia chuyển sang mua máy bay chiến đấu từ Pháp. Indonesia cũng công bố kế hoạch mua trực thăng Blackhawk từ Lockheed.
Các thỏa thuận về thiết bị quân sự của Mỹ dưới thời chính quyền Biden cũng đã được thảo luận hoặc ký kết với Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản, thậm chí với một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương Chỉ riêng Đài Loan, đơn đặt hàng vũ khí Mỹ còn tồn đọng có trị giá lên tới 19 tỷ USD.
Trong những ngày sau các cuộc tấn công của Hamas ở Israel, ông Biden thông báo Mỹ đã chuyển đạn dược và tên lửa đánh chặn Vòm Sắt do Raytheon và Rafael - nhà thầu quân sự Pháp sản xuất. Các lô hàng bom dẫn đường do Boeing sản xuất cũng đang được gửi đến Israel.
Mỹ cung cấp cho Israel hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm, nhưng Quốc hội Mỹ vó thể sớm hành động để tăng nguồn tài trợ. Israel đã yêu cầu Mỹ viện trợ khẩn cấp 10 tỷ USD hỗ trợ trong bối cảnh xung đột leo thang với Hamas.
Thậm chí, nhiều vũ khí của Mỹ có thể sớm được chuyển đến Ả Rập Xê-út, nước vốn đã là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Trong 2 năm qua, Ả Rập Xê-út đã đặt hàng mua thêm hàng tỷ USD khí tài, trong đó có cả đơn đặt hàng được đưa ra vào tháng trước về các bộ phận cần thiết để duy trì hoạt động của xe tăng và hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất.
Binh sĩ Israel chuẩn bị di chuyển xe tăng về phía Gaza. (Ảnh: New York Times)
Thách thức về năng lực
Sự bùng nổ về doanh số bán vũ khí phơi bày điểm yếu của Lầu Năm Góc về năng lực cơ sở công nghiệp quốc phòng ở Mỹ trong việc sản xuất khí tài đủ nhanh vào thời điểm căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng.
Nhu cầu gia tăng mang lại niềm tin cho các nhà sản xuất vũ khí. Doanh số bán hàng quốc tế hiện mạnh đến mức Raytheon kỳ vọng 1/3 tổng doanh số bán vũ khí của tập đoàn này sẽ đến tay khách hàng quốc tế vào năm 2025, tăng khoảng 25% so với năm ngoái.
Đơn đặt hàng đang được các nhà thầu quân sự Mỹ thống kê, lên kế hoạch sản xuất trong nhiều năm. Lockheed - nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, trong 2 năm qua đạt được các thỏa thuận bán máy bay chiến đấu F-35 trị giá lên tới 50 tỷ USD cho Thụy Sĩ, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Séc, Canada và Hàn Quốc .
Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc trong năm nay trong nỗ lực tìm cách đẩy nhanh việc phê duyệt bán khí tài quân sự ra nước ngoài để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, nút thắt chính vẫn là năng lực sản xuất. James Hursch, giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng - cơ quan giám sát hoạt động bán vũ khí ra nước ngoài cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Chúng tôi cần cơ sở công nghiệp đáp ứng những yêu cầu này".
Bình luận