(VTC News) – Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ trơ trẽn vu cáo Việt Nam, bóp méo sự thật về hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo CNN, Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc phát biểu với báo giới Mỹ rằng Việt Nam dùng tàu vũ trang đâm vào tàu dân sự, tàu chấp pháp của Bắc Kinh.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu chấp pháp Việt Nam |
Bài phát biểu của Thôi được báo chí Trung Quốc đồng loạt dẫn lại hôm nay cho thấy sự bịp bợm, đánh tráo khái niệm khi nói về cái gọi là “giàn khoan được đặt trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Đại sứ Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng biển cách Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Dựa vào điều này, ông Thôi cho rằng Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan mà không vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 mà Bắc Kinh cũng đã ký kết.
Thâm hiểm hơn, ông Thôi nói với truyền thông Mỹ đây là “vùng biển không có tranh chấp”, “Trung Quốc chỉ có duy nhất một giàn khoan ở Biển Đông”.
Trả lời phỏng vấn VTC News về lập luận của đại sứ Trung Quốc, Tiến sĩ - luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển cho biết: “Trung Quốc tiếp tục giở trò đánh tráo khái niệm. Đây hoàn toàn không phải vấn đề tranh chấp, bởi nó rõ ràng nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được cả thế giới công nhận”.
Video: Quốc hội Mỹ điều trần về Biển Đông
Ông Giao cho biết, thứ nhất, Trung Quốc cố ý lờ đi thông tin nước này dùng vũ lực đánh chiếm trái phép đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Tiếp đó, Trung Quốc sử dụng chính đảo Hoàng Sa và viện dẫn Công ước Quốc tế Luật biển để né tránh việc giàn khoan nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Theo luật sư Giao, dưới góc độ pháp lý, Trung Quốc không bao giờ dám đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế bởi họ “chẳng có trong tay bằng chứng nào, ngoài việc lu loa về chủ quyền”.
Ông Giao khẳng định Trung Quốc buộc phải dùng chiêu bài đánh tráo khái niệm để lòe bịp dư luận thế giới, trong khi trên mặt biển, tàu công vụ Trung Quốc hung hăng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao khẳng định nhiều luật sư trên thế giới cũng sát cánh với Việt Nam trước hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc - Ảnh: Vietnamnet |
Các báo Trung Quốc sáng 21/5 cũng dẫn lại thông tin mà Đại sứ Trung Quốc trơ trẽn vu cáo tàu chấp pháp Việt Nam tấn công, gây hỏng hóc cho tàu công vụ Trung Quốc.
Trả lời VTC News về vấn đề này, Trung tá Đặng Hồng Quân, phòng Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Chưa bao giờ có chuyện tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Ngược lại, nhiều ngày qua, Trung Quốc dùng các tàu Hải giám, Hải cảnh, Kiểm ngư, tàu cá bọc sắt chủ động đâm, va, húc tàu Việt Nam với tốc độ cao, gây nhiều hư hỏng cho tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam”.
Tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh Trung Quốc vẫn đang có mặt quanh giàn khoan HD-981 cùng sự hộ vệ của hàng chục tàu Hải giám, Ngư chính và thậm chí máy bay Trung Quốc.
‘Nắn gân’ Mỹ, Nhật Bản
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình của CNN, ông Thôi Thiên Khải cũng không quên tuyên bố rằng “Trung Quốc có quyền chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư)”.
“Đảo Điếu Ngư và những hòn đảo xung quanh là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, Trung Quốc có quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”, đại sứ Thôi nói.
Trước câu hỏi được đặt ra về việc Mỹ tuyên bố ‘xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương’, ông Thôi nói điều then chốt trong chiến lược của Mỹ phải là quan hệ tốt đẹp với các quốc gia châu Á, nhưng ông này không quên nói thêm rằng Mỹ “cần đặc biệt duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ép một chiếc tàu từ Hong Kong (Trung Quốc) ra khỏi khu vực Senkaku |
Trên nhiều tờ báo, trang mạng Trung Quốc xuất hiện không ít thông tin mang tính cực đoan chủ nghĩa, kêu gọi nước này lấy lại quần đảo Senkaku do Nhật quản lý. Thậm chí, nhiều bài viết còn hô hào chiến tranh sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố bảo vệ đồng minh Nhật Bản và quần đảo Senkaku trong chuyến công du châu Á tuần trước.
Chính phủ Trung Quốc cũng từng hứng chịu nhiều chỉ trích năm ngoái khi nhiều người dân nước này biểu tình, đập phá tài sản, cửa hàng của Nhật Bản.
Đám đông quá khích còn đập nát cả những chiếc ô tô do Nhật Bản sản xuất đậu trên đường phố, bất chấp chủ sở hữu của ô tô là người Trung Quốc.
Sự kích động diễn ra trên nhiều thành phố của Trung Quốc được cho là có nguyên nhân từ việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở gần quần đảo Senkaku, nơi Tokyo tuyên bố chủ quyền và đang quản lý.
Phương Mai
Bình luận