Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tuyên bố chung về hòa bình ở Đông Nam Á chưa có tiền lệ

Tin tức Biển ĐôngThứ Hai, 10/08/2020 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tạo ra đột phá khi lần đầu tiên ra Tuyên bố chung về duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2020), với sự điều phối của Việt Nam - trên cương vị Chủ tịch ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần đầu tiên đưa ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ với VTC News, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, chưa bao giờ hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á lại sát sườn và quan trọng như lúc này. Bởi vì, một mặt là do cạnh tranh nước lớn gia tăng và phức tạp, mặt khác có quá nhiều thách thức đối với khu vực, trong đó có dịch COVID-19 và vấn đề Biển Đông. 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tuyên bố chung về hòa bình ở Đông Nam Á chưa có tiền lệ - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN. (Ảnh: VGP)

- Lần đầu tiên ASEAN đưa ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là đột phá?

Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong một dịp kỷ niệm thành lập ASEAN, ít khi đưa ra Tuyên bố chung, trừ phi là các năm chẵn như 20 năm, 50 năm. Trong thông lệ chung cũng hiếm khi xảy ra.

Nhưng năm nay, nhân kỷ niệm 53 năm, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có được sự nhất trí của các thành viên để ra Tuyên bố Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên có một tuyên bố chung như vậy của 10 Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN.

Ở đây, tôi cho rằng, các nước đã nhìn nhận bối cảnh thế giới hiện nay và nhìn thấy vai trò trung tâm của ASEAN. Từ đó, ASEAN và các nước thành viên nhận thấy cần đưa ra tiếng nói ra sao, cần đóng góp cái gì và đề ra các nguyên tắc thế nào, từ đó các nước mới đồng thuận để có Tuyên bố chung này.

Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á hiện nay nhìn chung có hòa bình, ổn định nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức truyền thống và phi truyền thống như những câu chuyện về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và an ninh nguồn nước sông Mekong.

Đặc biệt, vấn đề Biển Đông, cũng như ứng phó với đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều tác động lớn tới ASEAN. Đó là những thách thức lớn cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngoài ra, phải kể đến thách thức về cạnh tranh nước lớn trong khu vực. Chính trong bối cảnh đặc biệt này, ASEAN nhìn nhận được điều đó, và phải có kết luận bằng Tuyên bố chung này.

- Để đưa ra được Tuyên bố chung trong dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN là điều không dễ dàng, thậm chí có thể gây nghi ngờ?

Đúng vậy. Không phải mặc nhiên đến ngày kỷ niệm 8/8, ASEAN sẽ ra được Tuyên bố chung. Tại vì vấn đề này vượt qua thông lệ, nên có các ý kiến thắc mắc từ các nước. Bởi vì đang yên đang lành, chúng ta nêu ra vấn đề Tuyên bố chung, nhiều bên sẽ nghi ngờ, kể cả trong nội bộ ASEAN. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao cần ra Tuyên bố chung, đồng thời chúng ta phải chứng minh được “đây là việc chung”.

Với các đối tác bên ngoài cũng phải làm rõ rằng, tuyên bố này xuất phát từ việc chung và không nhằm vào một bên nào. Đồng thời phải khẳng định được mục tiêu và nguyên tắc chung.

Bên cạnh đó là câu chuyện lợi ích quốc gia kết hợp hài hòa như thế nào với lợi ích khu vực. Mỗi quốc gia đều có những lợi ích của mình, và cách nhìn riêng kết hợp giữa lợi ích quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, các nước có lợi ích khác nhau trong tương tác với các nước lớn.

Do đó, sẽ có những đánh giá, tham vấn của Việt Nam. Đó là khi chúng ta tham vấn kĩ, làm cho các nước hiểu về vấn đề chung. Từ đó, chúng ta giải thích được những băn khoăn của các quốc gia thành viên trong mục đích chung của Tuyên bố và trong sự tương tác lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tuyên bố chung về hòa bình ở Đông Nam Á chưa có tiền lệ - 2

cuu-dai-su-pham-quang-vinh-46-1590156452722661259591.jpg

Việc ra Tuyên bố chung chưa có trong tiền lệ càng chứng tỏ nhận thức chung về vai trò trung tâm của ASEAN và sự điều phối tích cực của Việt Nam.  

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Tất nhiên trong quá trình tham vấn, nhiều nước đặt câu hỏi về Tuyên bố này. Bởi vì trong bối cảnh ASEAN có nhiều Tuyên bố trước đó, và hầu như năm nào, hội nghị nào cũng khẳng định vấn đề hòa bình, ổn định.

Vậy thì câu hỏi đầu tiên là tại sao phải ra Tuyên bố này? Mục đích nhằm vào cái gì, vào ai? Tuyên bố này liệu có tạo ra lợi ích chung cho ASEAN? Và câu chuyện nữa là việc rất nhiều người nghĩ là hay chỉ nhằm vào chuyện Biển Đông.

- Vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á ra sao?

Trong Tuyên bố mới đây, trong nhiều vấn đề khác được đề cập, vấn đề Biển Đông cũng được gián tiếp nhắc tới. Nếu xem xét kỹ trong Tuyên bố không có câu nào nói riêng về Biển Đông, nhưng lại nêu cụ thể về vấn đề luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin. Đó là những thành tố quan trọng cho vấn đề Biển Đông. 

Ví dụ cụ thể là trong điều 4 của Tuyên bố chung này có nội dung tương tự như nội dung trong Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong đó “kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, và giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Việc ra Tuyên bố chung chưa có trong tiền lệ càng chứng tỏ nhận thức chung về vai trò trung tâm của ASEAN và sự điều phối tích cực của Việt Nam.  

Theo đó, hòa bình, ổn định vẫn quan trọng hàng đầu đối với khu vực Đông Nam Á. Khi tình hình khu vực và thế giới còn diễn biến phức tạp, hòa bình, ổn định là điều kiện thiết yếu nhất cho mối liên kết trong cộng đồng và cho phát triển kinh tế.

Trong khu vực này, không ai khác ngoài ASEAN phải lãnh trách nhiệm trung tâm, để đưa ra đề xuất và hướng giải quyết. Dù rằng một mình ASEAN không thể giải quyết hết được thì cần gắn kết với các nước khác. Song rõ ràng, ASEAN phải là có vai trò trung tâm.

- Tuyên bố về hoà bình và ổn định đối với ASEAN có lợi ích, ý nghĩa như thế nào?

Đầu tiên, tuyên bố đưa ra trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đang diễn biến rất phức tạp. Và hơn bao giờ hết khu vực Đông Nam Á cần hòa bình, ổn định để chung sống và phát triển.

Thứ hai, khi cạnh tranh nước lớn và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng, chúng ta đề ra được các biện pháp và hướng tiếp cận cho khu vực. Điều đó có ý nghĩa quan trọng.

Thứ ba, việc ASEAN vượt qua thông lệ để đưa ra Tuyên bố này, ở giai đoạn chuyển dịch của thế giới, có tính định hướng cho ASEAN. Thông điệp của ASEAN chắc chắn sẽ được gửi đến toàn thế giới, cho khu vực và cho các đối tác. Chắc chắn các đối tác sẽ ủng hộ.

Nếu không ủng hộ, các đối tác hay các bên vào tham gia sân chơi tại khu vực Đông Nam Á sẽ ứng xử với nhau theo mục tiêu, nguyên tắc chung của ASEAN và không làm phức tạp thêm tình hình.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tuyên bố chung về hòa bình ở Đông Nam Á chưa có tiền lệ - 3

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 17/1/2020 tại Nha Trang, Việt Nam. (Ảnh: Baoquocte.vn)

Bên cạnh đó, ý nghĩa của Tuyên bố chung về hoà bình và ổn định tại Đông Nam Á có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ.

Đầu tiên là đặt cơ sở cho nhận thức chung cho ASEAN.

Thứ hai, từ chỗ nhận thức chung, biến thành quy tắc ứng xử chung của khu vực, khi các nước thừa nhận. Trong đó Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là ví dụ điển hình. Nếu những tuyên bố như trên được phản ánh trong nhiều diễn đàn khác nhau của ASEAN và các đối tác, nó sẽ sớm trở thành bộ quy tắc ứng xử.

Thứ ba, khi có bộ quy tắc, sẽ có bên thực hiện và bên không thực hiện, và sẽ có người chê, có người hoan nghênh. Từ đó tạo áp lực dư luận rất lớn, có thể coi đó là sự bổ sung cho luật pháp quốc tế, để tạo ra chuẩn mực trong khu vực.

- Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng trong khu vực hiện nay, ASEAN và các nước thành viên nên ứng phó ra sao?

Chưa bao giờ cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng và có nhiều chuyển biến như hiện nay. Nó đặt ra những phức tạp mới cho ASEAN và các nước thành viên.

ASEAN đã họp bàn, các nước thành viên cũng đưa ra nhiều suy nghĩ, sau đó nêu ra nhiều điểm đáng chú ý. Một là, ASEAN không thích phải chọn bên, mà muốn hợp tác với cả hai cường quốc Mỹ - Trung. Bởi vì, cả 2 đều là các đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Hai là các bên cạnh tranh như thế nào, song phải tôn trọng ý kiến của ASEAN và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ba là, nếu có gì phức tạp, khó khăn xảy ra, không có gì bằng việc căn cứ vào lợi ích chung của khu vực và luật pháp quốc tế, để nêu lên tiếng nói của mình và giải quyết các vấn đề xung quanh.

- Xin cảm ơn ông!

Các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước ASEAN đã ra Tuyên bố về việc Duy trì Hòa bình và Ổn định ở Đông Nam Á, nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (08/08/1967 - 08/08/2020). Tuyên bố bao gồm 8 điểm chính như sau:

1. Nhấn mạnh cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, và tăng cường các giá trị hướng tới hoà bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.

2. Tái khẳng định ASEAN cần duy trì đoàn kết, gắn kết và tự cường trong thúc đẩy các mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích chung được nêu trong Hiến chương ASEAN.

3. Tái khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như trong Tuyên bố về Khu vực Hoà bình, Tự do và Trung lập và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi.

4. Kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, và giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

5. Kêu gọi tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua tiếp tục đối thoại, hợp tác cùng có lợi và các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

6. Cam kết tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và khuyến khích các đối tác của ASEAN tham gia đóng góp xây dựng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), góp phần vào củng cố lòng tin và tin cậy lẫn nhau, cũng như xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ.

7. Tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và khuyến khích các đối tác hợp tác cùng ASEAN để thúc đẩy Tài liệu AOIP và tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tài liệu nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

8. Tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời đề cao cách tiếp cận đa phương trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên và tích cực tham gia định hình một cấu trúc đa phương hiệu quả hơn dựa trên luật lệ, có khả năng giải quyết được các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu.

Minh Tuấn(Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn