Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 được tổ chức tại TP.HCM, từ ngày 2 đến 7/8 với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên".
Dù phóng viên làm phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Cà Mau hiện nay rất ít, Đài tham gia không đầy đủ các thể loại nhưng có 4 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Những tác phẩm của Đài PTTH Cà Mau tham dự Liên hoan đề cập những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm như: nạn bạo hành trẻ em, những điển hình trong công tác nhân đạo, nạn bòn rút của công…
Ông Phan Hữu Nghị - Trưởng Phòng Phát thanh, Đài PTTH Cà Mau - đã trả lời phỏng vấn VTC News trước ngày hội lớn của người làm báo nói.
- Ông đánh giá thế nào về Liên hoàn Phát thanh toàn quốc năm 2022 được tổ chức tại TP.HCM?
Liên hoan Phát thanh toàn quốc dù được tổ chức ở địa phương nào thì cũng cùng mục đích, ý nghĩa. Tuy nhiên, vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 được tổ chức tại TP.HCM sẽ thuận lợi hơn cho những người làm báo phát thanh khu vực phía Nam, trong đó có Cà Mau, sẽ có mặt đầy đủ hơn. Qua đó sẽ là cơ hội để anh em gặp gỡ trực tiếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.
Trong khuôn khổ vòng chung khảo của Liên hoan còn có những cuộc hội thảo chuyên đề rất bổ ích cho đội ngũ làm báo phát thanh và những nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, nhất là báo phát thanh trong giai đoạn hiện nay.
- Để chuẩn bị cho việc tham gia Liên hoan Phát thanh lần thứ XV, Đài lựa chọn và chuẩn bị các tác phẩm dự thi như thế nào thưa ông?
Do phóng viên làm phát thanh của Đài PTTH Cà Mau hiện nay quá ít, nên rất tiếc là đơn vị Cà Mau tham gia không đầy đủ các thể loại có trong Liên hoan. Những tác phẩm chúng tôi tham dự Liên hoan đề cập những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm như: nạn bạo hành trẻ em, những điển hình trong công tác nhân đạo, nạn bòn rút của công…
Hầu hết phóng viên phát thanh đều thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ. Do vậy, các tác phẩm tham dự đều được khai thác, sử dụng những đặc trưng của loại hình báo phát thanh cũng như khai thác những tiện ích công nghệ thông tin trong tác nghiệp, phù hợp xu hướng phát thanh hiện đại.
- Trong các kỳ Liên hoan Phát thanh trước đó Đài đã gặt hái được những thành công như thế nào? Kỳ vọng của Đài tại Liên hoan này, thưa ông?
Tôi nhớ từ lần Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2010 đến nay, Đài PTTH Cà Mau đạt 2 huy chương Vàng, khoảng 4 hay 5 huy chương Bạc, nhiều huy chương Đồng.
Có những kỳ tuy giải không cao, nhưng rất mừng là không có tác phẩm nào bị loại ở vòng sơ khảo. Điều này cũng khẳng định được sự nhạy bén của các phóng viên, biên tập viên phát thanh đối với những vấn đề xã hội quan tâm để lựa chọn dự Liên hoan Phát thanh toàn quốc.
Mỗi kỳ Liên hoan, mong muốn đoạt giải cao đó là kỳ vọng của những người trực tiếp làm ra tác phẩm cũng như lãnh đạo đơn vị.
Theo thông báo từ Ban tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay, Đài PTTH Cà Mau có 4 tác phẩm vào vòng chung khảo. Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng ra sao thì cũng không quá quan trọng. Điều quan trọng hơn là qua đó chúng tôi đánh giá khả năng của mình như thế nào ở sân chơi nghiệp vụ lớn này.
- Sau những lần tham dự Liên hoan Phát thanh, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác tại Đài rút ra kinh nghiệm gì khi làm nghề?
Sau mỗi lần tham dự Liên hoan Phát thanh, qua tiếp xúc trao đổi và theo dõi các tác phẩm dự liên hoan phát thanh của đồng nghiệp, phóng viên của Đài PTTH Cà Mau đều rút ra những kinh nghiệm quý cho hoạt động nghề nghiệp của mình.
Đó là kỹ năng khai thác đề tài, hướng tiếp cận, xử lý thông tin, kỹ năng sử dụng âm thanh, tiếng động… như thế nào để hấp dẫn người nghe và nâng cao hiệu quả truyền thông của tác phẩm.
Đối với những người làm công tác lãnh đạo Đài, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Đài, khi tham gia các kỳ Liên hoan Phát thanh sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện, các sân chơi nghiệp vụ lớn như: Liên hoan nghiệp vụ Phát thanh, Truyền hình để có thể tạo ra những cuộc thi nghiệp vụ nhằm phát động phong trào thi đua và nâng cao tay nghề cho những người làm phát thanh, truyền hình trong thời gian tới.
- Trong thời đại bùng nổ công nghệ, đặc biệt là thiết bị di động, xu hướng theo dõi thông tin, giải trí nghiêng về báo điện tử, truyền hình thì loại hình báo nói làm thế nào để kéo thính giả về phía mình?
Đây là vấn đề khó, tôi nghĩ không chỉ riêng đối với Đài PTTH Cà Mau.
Trong các hội thảo về phát thanh, nhiều chuyên gia khẳng định phát thanh không thể thiếu trong đời sống xã hội và đối với công chúng. Điều này là không sai. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều loại hình báo chí, truyền thông hiện đại, hấp dẫn, nhất là các nền tảng mạng xã hội thì số lượng người nghe phát thanh bị chia sẻ, chi phối bởi các loại hình truyền thông đó. Đây cũng là điều đương nhiên.
Nhưng đối với từng nội dung, chuyên đề, chương trình… của phát thanh vẫn còn có những nhóm đối tượng thính giả đặc thù, nhất là nhóm đối tượng thính giả lớn tuổi, có nhu cầu tiếp nhận thông tin thời sự - chính luận, hoặc những chương trình chuyên biệt phù hợp với từng nhóm đối tượng thính giả khác.
Theo cá nhân tôi, với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì không thể "kéo" được thính giả về với phát thanh truyền thống, bởi cũng không thể buộc họ không xem hoặc hạn chế xem các loại hình báo chí, truyền thông hiện đại khác, mà mình phải làm thế nào để “đưa” sản phẩm của phát thanh đến cho họ.
Muốn được như vậy, trước hết phải cải tiến chất lượng, nội dung chương trình để có những chương trình hay, chuyên biệt cho những nhóm đối tượng chủ yếu. Kế đến là phải tận dụng các nền tảng số, nhất là các mạng xã hội để tích hợp, quảng bá, chọn đưa một số chương trình phát thanh lên các nền tảng mạng xã hội hoặc tạo đường link phục vụ cho đông đảo những người dùng thiết bị di động thông minh như hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận