Đại lý Honda ủy nhiệm - Nỗi ấm ức 'chênh giá' của rất nhiều khách hàng

XeThứ Sáu, 04/12/2015 12:25:00 +07:00

Chuyện các đại lý Honda ủy quyền (HEAD) bán một mẫu xe mới với giá bị đội lên nhiều triệu đồng là biểu hiện của kiểu làm ăn "chộp giật", nhưng ít nhiều Honda Vi

Chuyện các đại lý Honda ủy quyền (HEAD) bán một mẫu xe mới với giá bị đội lên nhiều triệu đồng là biểu hiện của kiểu làm ăn "chộp giật", nhưng ít nhiều Honda Việt Nam phải có trách nhiệm giải quyết nỗi ấm ức này của khách hàng.

Không thể phủ nhận thực tế là các đại lí uỷ quyền của Honda (HEAD) luôn bán xe cao hơn giá lẻ đề xuất của chính hãng. Sự thật này diễn ra thường xuyên đến nỗi người tiêu dùng cho nó là một điều hiển nhiên và họ mặc nhiên quy kết Honda Việt Nam có trách nhiệm liên đới.

Honda Việt Nam (HVN) vẫn công bố giá bán lẻ đề xuất của xe trên website công ty, nhưng đến tay người tiêu dùng, nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm mới ra và thu hút nhiều sự quan tâm, bị chênh giá vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng.


Nhiều mẫu xe "ăn khách" của Honda đều bị HEAD đẩy giá tạo khan hiếm
Mặc dù HVN đã không chỉ một lần thanh minh sự việc này không liên quan và ngoài tầm kiểm soát của công ty, nhưng chắc chắn một điều, hình ảnh thương hiệu Honda trong mắt người tiêu dùng Việt đã méo mó đi nhiều.

Không méo mó sao được khi hí hửng cầm tiền ra HEAD, người tiêu dùng phải méo mặt "cống" thêm cả chục triệu đồng cho nhà phân phối?


Trách nhiệm thuộc về ai?

Để tìm cội rễ của sự việc, chúng ta hãy xem lại chính sách cung cấp sản phẩm, cũng như mối quan hệ giữa HVN và các HEAD.

Thứ nhất, HVN không bán sản phẩm trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng mà thông qua các HEAD. Thứ hai, các HEAD không được nhận hàng kí gửi từ HVN mà phải trả tiền khi mua hàng, tức là quan hệ đối tác kinh doanh độc lập chứ các HEAD không thuộc quyền quản lí của HVN.

Việc các HEAD bán sản phẩm với giá bao nhiêu không phụ thuộc vào HVN, vì các sản phẩm đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các HEAD, chứ không còn là của HVN nữa. Chính vì thế, đại diện Honda Việt Nam cho biết rằng hãng này không thể yêu cầu các HEAD bán xe với giá bao nhiêu.


 Chỉ có thị trường Việt Nam, câu chuyện "chênh giá" mới tồn tại lâu đến thế
Với hai lí do trên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy trách nhiệm của nhà sản xuất (Honda Việt Nam) và nhà phân phối (HEAD) thể hiện ở đâu?

Trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối đối với sản phẩm và người tiêu dùng được đo chính bằng sức mạnh thương hiệu, là sự tín nhiệm của người tiêu dùng với sản phẩm mà họ bỏ tiền ra mua.

HVN có những tiêu chí rõ ràng đối với mỗi HEAD ra đời: showroom, nhà xưởng, khu dịch vụ, đội ngũ kỹ thuật, bán hàng (do HVN trực tiếp huấn luyện), quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng (do HVN chịu chi phí), tức là làm sao để có được những đối tác đủ tin cậy phân phối sản phẩm của mình ra thị trường.

Các HEAD mua xe của HVN - bán sản phẩm và thực hiện dịch vụ hậu mãi. Và các HEAD kinh doanh theo quy luật cung-cầu. Tuy nhiên, không phải cứ HEAD nào nhiều vốn là có thể mua số lượng lớn, găm hàng để tăng giá. HVN sẽ đánh giá năng lực tiêu thụ để cung cấp sản phẩm cho các HEAD.

Mặt khác, các HEAD không phải thích mua sản phẩm nào thì mua, tất cả đều phải mua theo kiểu "cơm độn sắn", tức là kèm các dòng xe đang bán chạy sẽ có thêm những chiếc xe thuộc diện ế ẩm, ít người quan tâm.


Do quan hệ đối tác kinh doanh độc lập với HVN, nên các HEAD áp dụng các chính sách hậu mãi, thực hiện trách nhiệm đại lý cũng có những điểm khác nhau, dẫn đến có không ít nhận xét trái ngược từ phía khách hàng về thái độ phục vụ, trình độ kỹ thuật của các HEAD…

Các HEAD, muốn bán được hàng, nhanh thu hồi vốn và tăng lợi nhuận thì phải có khách hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu đối với xe Honda, nhất là những mẫu xe "hot" như Air Blade 125 2016 hay Honda SH 125i/150i 2015 đang là rất lớn nên có vẻ như khách hàng đang cần HEAD hơn là HEAD cần khách hàng.

Không ai có thể ép các HEAD bán đúng giá cũng như không ai cấm người tiêu dùng mua hàng đội giá. Tình trạng các HEAD "nháy" nhau cùng tăng giá và người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua hàng đắt sẽ khiến người tiêu dùng thiệt thòi lớn và tình trạng này sẽ còn kéo dài.


Người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy "bệnh đội giá" đang hoành hành dữ dội như thế nào. Honda SH 2015 có lúc bị đội giá tới 8 triệu đồng, Honda Air Blade 125 mới nhất bị đội giá 11,5 triệu đồng cho bản cao cấp nhất; các Yamaha Town cũng không kém cạnh với ngôi sao sáng Exciter 150 có thời điểm bị bán với giá cao hơn giá niêm yết tới gần 8 triệu đồng và các đại lý của Suzuki cũng tăng giá bán của mẫu xe côn tay Raider 150 2 triệu.

Có thể thấy, giấc mơ mua xe đúng giá của người Việt còn lâu mới trở thành hiện thực. Tuy nhiên, có phải chỉ những nhà phân phối mới phải chịu trách nhiệm?


"Khách hàng là thượng đế" là câu nói cửa miệng của bất kỳ nhân viên bán hàng nào nhưng có vẻ các "thượng đế" vẫn luôn phải chịu thiệt thòi. Quyền lợi tối cao của người tiêu dùng là được sở hữu sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra, cũng như được hưởng những dịch vụ kèm theo như bảo hành, bảo trì… và cả thái độ phục vụ của nhà phân phối.

Họ là người bỏ tiền ra, là người nuôi sống nhà phân phối, vậy tại sao họ cứ phải chịu thiệt? Phải chăng đó là do bản tính nhẫn nại, ngại đấu tranh và sẵn sàng chịu thiệt thòi để có được cái mình muốn của đa số người Việt?


Giả sử hầu hết người dùng sẵn sàng lên tiếng về tình trạng đôn giá, sẵn sàng tẩy chay những mẫu xe bị đôn giá quá cao và mua xe khác có giá bán thực tế hơn, các nhà phân phối đã không thể hoành hành như thế được.

Tuy nhiên, ta cũng cần phải cân nhắc yếu tố thương hiệu và sự đa dạng mẫu mã, tính cạnh tranh trên từng phân khúc. Honda là thương hiệu xe máy được ưa chuộng nhất hiện nay, phần nhiều vì hãng có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và cái tiếng bền bỉ, ít hỏng mặt của những mẫu xe huyền thoại như Dream hay Cub.


Hiện tại, nếu có trong tay 40 - 45 triệu và muốn một chiếc xe tay ga có kiểu dáng thể thao mạnh mẽ, người tiêu dùng cũng khó có nhiều lựa chọn nào khác ngoài Honda Air Blade 125 và Nouvo FI SX.

Do đó các nhà phân phối đang ở "cửa trên" là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Honda SH và Yamaha Exciter, những mẫu xe vượt trội trong phân khúc và người tiêu dùng chưa bao giờ mua được chúng với giá nhà sản xuất công bố.


Nhà phân phối bán ra một mặt hàng, người tiêu dùng mua nó khi và chỉ khi họ cần nó và cảm thấy hài lòng khi sở hữu. Xét về mặt kinh doanh thuần túy, việc các nhà phân phối tăng giá bán của những mẫu xe hút khách và giảm giá những mẫu kém thu hút là rất dễ hiểu.

Tuy nhiên, sự việc sẽ không có gì quá nghiêm trọng nếu như không có tình trạng một số nhà phân phối bán giá cao hơn nhưng lại xuất hóa đơn đúng theo giá nhà sản xuất công bố. Hành động này khiến họ không phải đóng thuế cho phần giá chênh lệch.


Điều này chỉ thực hiện khi có sự “hợp tác” của khách hàng - trả tiền một đằng, lấy hóa đơn một nẻo. Nếu người mua không đồng ý, liệu chuyện này có xảy ra? Chính người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho các nhà phân phối làm giàu trái pháp luật và họ cũng có trách nhiệm với tình trạng đội giá xe.

Như vậy, để góp phần giảm thiểu tình trạng giá một đằng, bán một nẻo, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức về quyền khách hàng, tẩy chay những nhà phân phối nâng giá quá cao, lựa chọn xe hợp lý theo túi tiền và nhu cầu thay vì lựa chọn thương hiệu và nhất là không dung túng cho hành vi trốn thuế của các nhà phân phối.

Nguồn: News.otofun.net
Bình luận
vtcnews.vn