• Zalo

Không để thông tin bão lũ ‘rối bòng bong’ như vừa qua

Thời sựChủ Nhật, 05/11/2017 13:45:00 +07:00Google News

Đại diện Văn phòng Chính đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai phải cung cấp thông tin chính xác, cụ thể, kịp thời và khoa học, không để xảy ra tình trạng “rối bòng bong” như thời gian qua.

Thông tin phải kịp thời, chính xác hơn nữa

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (PCTT) đã họp để nghe báo cáo nhanh về công tác trực ban phòng, chống thiên tai ngày 4/11 và những thiệt hại do bão số 12 gây ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo đánh giá sơ bộ, bão số 12 (có tên quốc tế là Damrey) đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương bão đổ bộ. Đến sáng 5/11, đã có 49 người chết và mất tích do bão số 12 (27 người chết, 22 người mất tích).

Số người chết do bão số 12 gấp gần 5 lần so với cơn bão số 10 xảy ra vào giữa tháng 9 năm nay, dù về quy mô và mức độ hai cơn bão này tương đương nhau.

IMG_20171105_083634

Ông Đào Quang Tuynh (áo xanh) cho rằng thông tin bão và mưa lũ khi cung cấp cho báo chí và báo cáo gửi lên Chính phủ cần phải kịp thời, cụ thể, chính xác, không để "rối bòng bong" như vừa qua.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) đánh giá đây là cơn bão gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Theo ông Tuynh, cần phải làm rõ những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến thiệt hại trên để rút ra bài học ứng phó cho lần sau.

Đặc biệt, người đại diện Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương PCTT cần rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và số liệu báo cáo về tình hình bão, mưa lũ khi trình lên Chính phủ.

Cụ thể, các thông tin phải chính xác, cụ thể, kịp thời và khoa học, không để xảy ra tình trạng “rối bòng bong” như thời gian qua.

“Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo chung về đối phó với bão và ứng phó với lũ nên cần thông tin đúng, đủ, cập nhật và dễ hiểu nhất. Nhiều lúc chúng ta cứ nghe những thông tin không chính xác.

Ngay như hôm trước tôi đến họp Ban chỉ đạo thì các anh có gửi báo cáo, trong đó ghi là “lũ đặc biệt lớn”, thì tôi chỉ ghi lại trong báo cáo lên là “lũ lớn”. Vì giữa “lũ đặc biệt lớn” và “lũ lớn” là khác nhau hoàn toàn. Vì nó còn liên quan đến giải pháp ứng phó nữa”, ông Tuynh nói.

Vị đại diện Văn phòng Chính phủ nhắc nhở thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo gửi lên Chính phủ nên cụ thể hơn. Khi cung cấp thông tin trong các báo cáo gửi lên lãnh đạo cấp cao để điều hành thì nên đưa số liệu rõ ràng, cụ thể.

"Khi gửi báo cáo về tình hình mưa lũ lên trên thì các anh cũng cần phải cung cấp thông tin và có sự so sánh với trận lũ gần nhất.

Ví dụ như vừa qua là mưa lũ ở Bình Định chẳng hạn, thì các anh phải so sánh với mực nước tại các sông so với lũ năm 2016 là như thế nào, chứ không cứ nói chung chung được.

Vì lãnh đạo thì rất quan tâm đến chuyện so với năm ngoái thì lũ có ngập nhiều hay không, ngập như thế nào để từ đó có chỉ đạo đối phó sao cho phù hợp và chính xác nhất. Chứ cho nhiều các số liệu chuyên môn vào như mớ bòng bong thì quả thực chúng tôi cũng rất khó làm”, ông Tuynh nhấn mạnh.

Theo ông Tuynh, ngày mai là khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC, nên thông tin dự báo về mưa lũ tại miền Trung cần phải được theo dõi sát sao hơn.

bao12

 Bão số 12 đã tàn phá và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

“Tuần sau là khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC rồi nên dư luận quan tâm rất nhiều đến tình hình mưa ở một số tỉnh miền Trung, cần theo sát tin tức trời mưa. Sáng nay, chúng ta thông tin nhưng mà thông tin các hồ chứa từ tối qua, chứ bây giờ thì tình hình khác rất nhiều rồi, vì thế số liệu báo cáo cập nhật cũng phải khác.

Đối với khu vực miền Trung, chỉ cần 2 – 3 tiếng sau thì đã khác hoàn toàn so với trước. Cũng như trường hợp năm 1999, Thừa Thiên – Huế tối hôm trước thì khô ráo, nhưng sáng hôm sau, chỉ qua một đêm mưa thì đã ngập tơi bời hết cả.

Nên công tác theo dõi hồ chứa cần phải cập nhật thông tin thường xuyên. Chứ hiện nay nhiều khi chúng ta cứ cập nhật thông tin theo kiểu mô típ “cập nhật vào lúc 18h hôm qua...” rồi báo cáo lên thì không chính xác vì khi đó có khi ngập rất nhiều rồi, hoặc nước lại rút hết rồi”, ông Tuynh nêu quan điểm.

Phải làm rõ nguyên nhân 

Trước ý kiến của người đại diện Văn phòng Chính phủ, ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo Trung ương PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) cho biết sẽ tiếp thu và có những điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị chúng ta phải thường xuyên cung cấp thông tin cho đài, báo để các cơ quan này nắm được thông tin chính thống. Hiện nay trên mạng có rất nhiều các số liệu khác nhau. Ngay cả một huyện, một xã cũng không nắm bắt được số liệu chính xác, mỗi lúc một số liệu”, ông Trần Quang Hoài nói.

Ông Hoài khẳng định: “Chỉ có số liệu qua Ban chỉ đạo Trung ương PCTT mới là số liệu chính thức, chính thống, chính xác vì chúng tôi đã qua khâu xác minh cụ thể danh tính, thiệt hại. Còn những thông tin khác nếu không đúng thực tế sẽ gây ra hoang mang trong dư luận cũng như sự chỉ đạo của cơ quan chức năng”.

Người đại diện Ban chỉ đạo Trung ương PCTT cho biết, nhiệm vụ đặt ra hiện nay cho Ban chỉ đạo là phải phối hợp với các địa phương để kịp thời đánh giá thiệt hại, khôi phục nhanh để sản xuất.

“Chúng ta phải khẩn trương xây dựng xong đánh giá lại toàn bộ cơn bão vừa qua. Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm cho các lần sau”, ông Hoài nói.

Đồng thời, ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần phải làm rõ và có báo cáo cụ thể về nguyên nhân tại sao trong cơn bão số 12 vừa qua, các địa phương lại thiệt hại nhiều về người như báo cáo.

“Thiệt hại về người do cơn bão số 12 gây ra rất nhiều, phải làm rõ là tại sao lại thiệt hại nhiều về người như thế, trong khi bão số 10 cũng có cường độ và quy mô tương tự nhưng cũng chỉ có 6 người chết.

Đối với tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản thì chúng ta kêu gọi trên 70.000 tàu thuyền cùng với số lượng người dân rất lớn để tìm nơi trú tránh bão, nhưng cuối cùng vẫn thiệt hại lớn, thế là do đâu? Đó là vì gần như người dân không quan tâm đến thông tin cảnh báo từ cơ quan PCTT của Trung ương và địa phương”, ông Hoài nhận xét.

“Bão số 12 đã gây thiệt hại quá nặng, nhiều người chết và mất tích. Các đơn vị chuyên môn của Ban chỉ đạo Trung ương PCTT cần gấp rút làm công tác rút kinh nghiệm chung, tránh để xảy ra tình trạng như vừa qua.

Người chết do nhà đổ, do điện giật, do cây đổ khá nhiều, thì đây cũng là vấn đề cần xem xét lại. Có phải nguyên nhân do chủ quan không? Do công tác sơ tán dân chúng ta làm chưa quyết liệt hay không? Tất cả những vấn đề này cần phải đánh giá lại để báo cáo cụ thể lên Thủ tướng”, ông Hoài cho hay.

Video: Cận cảnh tan hoang sau bão ở Khánh Hòa

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn