• Zalo

Đại diện của nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cung cấp thông tin mới

Pháp luậtThứ Tư, 16/05/2018 17:08:00 +07:00Google News

Luật sư Đỗ Quốc Quyền, đại diện của ông Trương Quý Dương cho rằng, lúc xảy ra sự cố, trong ban giám đốc có BS Hoàng Đình Khiếu, trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó giám đốc bệnh viện nên mọi việc báo cáo qua vị này.

Video: Người đại diện nguyên GĐ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình lên tiếng

Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân thiệt mạng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương cùng các luật sư của các bên liên quan đều cho rằng phải triệu tập ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án.

Ngày làm việc thứ 2, bất ngờ xuất hiện với tư cách là người đại diện của ông Trương Quý Dương, luật sư Đỗ Quốc Quyền – Đoàn LS Hà Nội cho biết, mới nhận được văn bản ủy quyền của ông Trương Quý Dương hôm qua.

DSC_0034 13

Các bị cáo tại phiên tòa.

“Tôi đã làm thủ tục báo cáo với tòa về sự có mặt của mình với tư cách là đại diện ông Trương Quý Dương tới dự phiên tòa” – ông Quyền nói.

Vị đại diện ủy quyền cho rằng, đây là một vụ việc rất đáng tiếc, hoàn toàn do lỗi của một số bộ phận.

Ông Quyền cũng cho rằng, lời khai của những người liên quan đến vụ việc trong phiên xét xử sáng nay cho thấy, quá trình làm việc nguyên lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên thận nhân tạo, các bác sĩ cũng như điều dưỡng không có sự thống nhất với nhau.

Vị này nói Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử sẽ phải làm rõ, xác định xem có hay không câu chuyện ủy quyền hay phân công ai là người phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo trong nội bộ khoa hồi sức tích cực.

Tại tòa, vị đại diện ủy quyền cũng dẫn ra dẫn chứng cụ thể, theo quy chế bệnh viện, chúng ta cũng cần nắm rõ quy chế 1895 của bệnh viện năm 1997 của Bộ Y tế áp dụng cho tất cả các bệnh viện, kể cả bệnh viện tư có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong quy chế này, quy định từng chức danh, nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc biệt là quy trình lọc máu chạy thận nhân tạo được quy định rất rõ.

Với trường hợp này, theo vị đại diện ủy quyền, trách nhiệm thuộc về khoa Hồi sức tích cực.

"Chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn về câu chuyện phân công nhiệm vụ. Nếu như lãnh đạo khoa không chứng minh được việc phân công công việc cho bác sĩ Hoàng Công Lương thì việc quy kết tội cho bác sĩ Lương có nhiều vấn đề phải nói", ông Quyền chia sẻ.

Vị đại diện này cho rằng ông Dương chỉ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ trong ban giám đốc. Lúc xảy ra sự cố, trong ban giám đốc còn có sự có mặt của BS Hoàng Đình Khiếu, là trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó giám đốc bệnh viện.

Vì vậy, những việc liên quan đến khoa và phòng chỉ cần báo cáo với ban giám đốc là được, trừ những việc quan trọng mà BS Khiếu cần phải hội ý với giám đốc thì lúc đó mới cần ông Dương.

“Trong những ngày tới, bác sĩ Dương chưa kịp có mặt tại Việt Nam, tôi sẽ đại diện ủy quyền của bác sĩ Dương để làm việc. Những câu hỏi của HĐXX, giám sát viên, viện kiểm sát liên quan đến BS Dương tôi sẽ cố gắng ghi chép lại, nếu nội dung nào tôi nắm được và có sự ủy quyền của BS Dương tôi sẽ trả lời, còn nội dung nào cần có sự hội ý của BS Dương thì tôi sẽ gửi văn bản để có câu trả lời sau đó” – ông Quyền nói.

Video: Bị cáo Hoàng Công Lương không đồng tình với các cáo buộc của Viện Kiểm sát

Được triệu tập đến phiên tòa, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình (thời điểm xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 người chết, ông Khiếu là Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) cho biết, bác sĩ Hoàng Công Lương được phân công phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo.

Tuy nhiên, ông Khiếu thừa nhận việc phân công này chỉ bằng... miệng. 

Tuy nhiên, bị cáo Hoàng Công Lương đã phủ nhận lời của ông Khiếu và cho biết chỉ được phân công xuống làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo với tư cách là bác sĩ điều trị, không có trách nhiệm quản lý hay phân công công việc.

Hữu Dánh
Bình luận
vtcnews.vn