Đại diện Bộ Tài chính: 'Tăng thuế bảo vệ môi trường để bù đắp lại nguồn thu ngân sách'

Kinh tếThứ Ba, 27/02/2018 07:50:00 +07:00

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, tăng thuế là nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách do thuế nhập khẩu xăng dầu ngày càng giảm.

Ông Thi cho biết, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế Bảo vệ môi trường (BVMT).

Nguyên nhân dẫn đến đề xuất này xuất phát từ thực tế: "Hiện nay, Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là với xăng, mức thuế cam kết trong WTO là nhập khẩu 40%, tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%.

Theo lộ trình thực hiện các FTA, chúng ta còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì dầu về 0% rồi", ông Thi nói.

bo-tai-chinh-de-xuat-tang-thue-bao-ve-moi-truong-44-.2225

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Trước câu hỏi, liệu việc tăng Thuế BVMT với xăng có phải là một biện pháp bù đắp lại nguồn thu ngân sách, ông Thi cho biết, đối với xăng dầu, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu giảm rất nhanh. Tăng thuế BVMT là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, khi xét trên góc độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường.

Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nói đến xăng, từ 1/1/2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5. Đó là một cách bảo vệ môi trường.

Mặt khác, giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng.

Theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào NSNN. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Thi, Bộ Tài chính đang được giao soạn thảo Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/7/2018. Để đảm bảo thời gian thì phải đưa ra dự thảo từ bây giờ.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng thuế từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng thuế từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Video: Bộ Tài chính lý giải về đề xuất tăng Thuế BVMT lên 4.000 đồng

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn