Số người nhiễm ở Anh vượt quá 200.000
Đại dịch COVID-19 ngày 7/5 ghi nhận số ca nhiễm toàn cầu đạt 1.287.656 trường hợp, với 264.042 người chết. Ở châu Âu, số ca nhiễm ở Tây Ban Nha và Đức tiếp tục tăng chậm, từ 1.000 đến 3.000 trường hợp nhiễm mới trong ngày.
Anh ghi nhận thêm 6.111 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 201.101 trường hợp, nhiều thứ tư thế giới. Số người chết ở Anh cũng vượt mốc 30.000, với thêm 649 người thiệt mạng trong ngày.
Nga ghi nhận thêm 10.559 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 165.929 trường hợp. Với tốc độ lây nhiễm hiện tại, Nga dự kiến sẽ vượt qua Đức và Pháp trong 2 ngày tới.
3 quốc gia ghi nhận nhiều hơn 10.000 ca nhiễm mới trong ngày là Mỹ, Nga và Brazil. Theo số liệu từ Worldometer, lần đầu tiên kể từ ngày 30/3, Mỹ mới ghi nhận số ca nhiễm trong ngày ít hơn 20.000. Cụ thể, có 19.858 ca nhiễm mới và 1.895 người chết tại Mỹ trong ngày 6/5, ít hơn 800 trường hợp so với ngày trước đó.
Trung Quốc lẽ ra phải chặn đứng COVID-19 sớm hơn
CNN dẫn lời Tổng thống Donald Trump khẳng định COVID-19 là "cuộc tấn công tồi tệ nhất từng xảy ra trên đất Mỹ" và Trung Quốc có thể đã chặn đứng thành công đại dịch toàn cầu này. Phát biểu từ Phòng bầu dục, ông Trump nói SARS-CoV-2 thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng bố ngày 11/9.
"Cuộc tấn công như vậy không nên xảy ra. Dịch COVID-19 lẽ ra phải được chặn đứng tại nguồn lây. Lẽ ra phải được chặn đứng ở Trung Quốc", ông Trump nói.
Những ngày vừa qua, Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định virus corona chủng mới có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Tuyên bố này khiến chính phủ Trung Quốc phẫn nộ, buộc tội Trump "bôi nhọ" nhằm củng cố cơ hội tái tranh cử.
Trung Quốc chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm mới trong ngày. Vũ Hán, nơi được cho là khởi phát dịch COVID-19, đã có nhiều ngày liên tiếp trước đó không còn ca nhiễm nào.
Số ca nhiễm mới tại Italy tăng nhẹ
Số người chết do COVID-19 tại Italy tăng trở lại với 369 trường hợp rong 24 giờ qua. Quốc gia này cũng có tỷ lệ thiệt mạng do COVID-19 cao thứ hai châu Âu, chỉ sau Anh. 29.684 người đã chết do COVID-19, và Italy có thể trở thành nước thứ ba trên thế giới có hơn 30.000 người chết do dịch bệnh, sau Mỹ, Anh.
Số ca nhiễm mới trong ngày tại Italy tăng thêm 1.444 trường hợp. Dù vậy, số ca nhiễm hiện tại đã giảm, từ 98.467 trường hợp xuống 91.528 trường hợp. Mức giảm 6.939 ca nhiễm trong ngày là lớn chưa từng thấy.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cảnh báo số lượng trường hợp phục hồi cao là do có sự điều chỉnh về số lượng và một số trường hợp trong vài ngày qua. Hiện Italy đã nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển. Người dân muốn đi từ vùng này sang vùng khác phải có đơn trình báo lý do với chính quyền.
Bộ trưởng Văn hóa Nga mắc COVID-19
“Người đứng đầu Bộ Văn hóa Nga, bà Olga Lyubimova, đang làm việc tại nhà. Bà được xác nhận mắc COVID-19”, Thư ký báo chí Bộ trưởng Văn hóa Nga cho hay.
Thông báo này nói thêm rằng bà Lyubimova có triệu chứng nhẹ. Cùng với việc tự cách ly tại nhà, bà vẫn tham gia các cuộc họp trực tuyến. Bà Lyubimova là thành viên thứ 3 trong nội các Nga được xác nhận mắc COVID-19.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Bộ trưởng Xây dựng và Nhà ở Nga Vladimir Yakushev cho kết quả dương tính với xét nghiệm COVID-19.
Nga vừa ghi nhận thêm 10.559 ca mắc COVID-19, nâng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 165.929 trường hợp. Nga hiện là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao thứ 6 thế giới. Tổng thống Nga Putin hôm qua (6/5) chủ trì cuộc họp của chính phủ để thảo luận về việc dỡ bỏ dần các hạn chế theo từng giai đoạn từ ngày 12/5.
Bình luận