Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2,5 triệu
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 2,5 triệu. Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất với 804.759 trường hợp và 43.995 người chết.
Bang New York áp đảo các bang khác ở Mỹ với 265.555 ca nhiễm, nhiều hơn tất cả các nước châu Âu. Số người chết tại New York cũng chiếm phân nửa số trường hợp thiệt mạng tại Mỹ, với 19.693 ca, tăng thêm 764 ca so với hôm qua (21/4).
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới tại Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp đều tăng chậm, dưới mức 3.000 ca/ngày. Tây Ban Nha vẫn là nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 204.178 ca nhiễm, nhiều hơn Italy hơn 20.000 ca.
Trong khi đó, với 2.667 người chết trong ngày 21/4, số trường hợp thiệt mạng do SARS-CoV-2 tại Pháp đã vượt mức 20.000. Pháp là nước thứ tư trên thế giới có nhiều hơn 20.000 người chết do virus corona chủng mới gây ra.
Italy tính phương án nới lỏng lệnh phong tỏa
Số ca nhiễm tại Italy đã tăng chậm đáng kể trong tuần lễ vừa qua. Trong ngày 21/4, số ca nhiễm mới là 2.729 trường hợp. Đây cũng là ngày thứ chín liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày ở Italy dưới con số 4.000.
Từ diễn biến khả quan của dịch bệnh, giới chức Italy đang tính toán phương án nới lỏng lệnh phong tỏa toàn đất nước từ ngày 4/5. Theo Thủ tướng Giuseppe Conte, các bước mở cửa đất nước phải được tiến hành cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng.
"Tôi ước mình có thể nói: hãy mở cửa mọi thứ ngay lập tức vào sáng mai, nhưng những quyết định kiểu như vậy luôn luôn thiếu trách nhiệm. Áp dụng nới lỏng phong tỏa vào ngày 4/5 sẽ là hợp lý nhất", ông Conte khẳng định, đồng thời hứa hẹn về một kế hoạch "nghiêm túc, khoa học" để vừa từng bước hồi phục nền kinh tế, vừa tránh được rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại.
Thủ tướng Italy cũng hứa bổ sung gói cứu trợ ít nhất 50 tỷ euro vào cuối tháng này để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Số ca nhiễm tại Los Angeles có thể cao hơn thực tế 40 lần
Giới chức Los Angeles cho biết 4,1% số người tham gia xét nghiệm ở hạt này được xác định nhiễm virus corona chủng mới. Số người mắc COVID-19 tại Los Angeles có thể cao hơn con số được công bố đến 40 lần.
Phương pháp xét nghiệm bằng cách lấy mẫu huyết thanh được tiến hành bởi Đại học Nam California và thực hiện trên 863 người cho thấy tỷ lệ thiệt mạng do COVID-19 có thể thấp hơn so với giai đoạn trước đó. Dù vậy, số ca nhiễm có thể tăng mạnh khi dịch bệnh lây lan bởi những người nhiễm COVID-19 nhưng chưa bộc lộ triệu chứng.
"Chúng ta không thể biết chính xác mức độ mở rộng số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khi chúng tôi chỉ có thể xét nghiệm những người đã có triệu chứng. Số kit xét nghiệm cũng có giới hạn", ông Neeraj Sood, Giáo sư chính sách công cộng ở Đại học Nam California khẳng định.
Ít nhất 17 người chết do COVID-19 ở hạt Los Angeles, bang California trong thứ Hai, nâng tổng số người chết lên 600, với hơn 12.300 trường hợp nhiễm bệnh.
Singapore phong tỏa đất nước đến đầu tháng 6
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa công bố nới rộng thời hạn phong tỏa thêm 4 tuần, kéo dài đến ngày 1/6 thay cho thời hạn 4/5 ban đầu. Đây là biện pháp nhằm giảm tốc độ lây lan COVID-19 tại quốc gia này khi đang có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc.
"Thật không may khi số ca nhiễm không giảm xuống, điều này cho thấy đang có số lượng lớn các ca nhiễm ngầm đang tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca trong số đó không xác định được nguồn gốc lây lan từ đâu", ông Lý Hiển Long khẳng định.
Singapore ghi nhận 1.111 ca nhiễm trong ngày 21/4, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 9.152. Các quốc gia như Malaysia và Indonesia cũng có số ca nhiễm trong ngày tăng nhẹ.
Indonesia ghi nhận 375 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 7.135 trường hợp (616 người chết). Malaysia ghi nhận 57 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 5.482 trường hợp (92 người chết).
Bình luận