• Zalo

Đại dịch COVID-19 ngày 21/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 5 triệu

Thời sự quốc tếThứ Năm, 21/05/2020 07:05:58 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại dịch COVID-19 ngày 21/5: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới hiện tại là 5.082.035.

5 triệu người mắc SARS-CoV-2

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới vượt mốc 5 triệu, sau khi có thêm 96.918 trường hợp nhiễm mới trong ngày 19/5.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất với gần 1,6 triệu người mắc COVID-19, nhưng số ca nhiễm mới đã giảm trong 4 ngày vừa qua với xấp xỉ 20.000 trường hợp/ngày. 

Nước có số ca nhiễm trong ngày 19/5 đứng ngay sau Mỹ là Brazil, với 19.694 trường hợp. Brazil vượt qua Tây Ban Nha để trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga.

Đại dịch COVID-19 ngày 21/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 5 triệu  - 1

Nga đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm COVID-19.

Với 8.764 trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày, Nga trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca nhiễm vượt mốc 300.000. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp đều giảm xuống 3 chữ số. 

Brazil có số ca nhiễm sắp đứng thứ hai thế giới  

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở Brazil. Với số ca nhiễm mới trong ngày xấp xỉ 20.000 và tổng số ca nhiễm là 291.579 trường hợp, Brazil có thể sẽ sớm vượt Nga để trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, sau khi vượt Anh vào thứ Hai vừa qua.

Với 19.859 người chết mỗi ngày, Brazil có số trường hợp thiệt mạng vẫn đứng sau nhiều quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, số trường hợp cần chăm sóc đặc biệt tại Brazil là hơn 8.000, chỉ đứng sau Mỹ. 

Tổng thống Jair Bolsonaro đang chịu chỉ trích nặng nề cho sự lây lan của COVID-19 ở Brazil. 

Đại dịch COVID-19 ngày 21/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 5 triệu  - 2

Tổng thống Bolsonaro bị chỉ trích vì cách đối phó với virus. 

Ông cũng ủng hộ việc sử dụng thuốc chống sốt rét như biện pháp hữu hiệu để ngừa COVID-19, bất chấp cảnh báo rủi ro từ các chuyên gia y tế. 

"Chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến. Việc không chiến đấu sẽ còn tồi tệ hơn cả thất bại", Tổng thống Bolsonaro lý giải cho quyết định của chính phủ về việc đưa ra các loại thuốc mà không có bằng chứng về hiệu quả của chúng.

Tổng thống Trump: Trung Quốc đang đổ lỗi cho các bên 

Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang đổ lỗi cho các bên khác về COVID-19 và "sự kém cỏi của Trung Quốc đã giết người hàng loạt trên toàn cầu".

"Một số gã khùng ở Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố đổ lỗi cho tất cả mọi bên, trừ Trung Quốc, về loại virus đã giết hàng trăm nghìn người. Hãy giải thích cho họ rằng không gì có gì khác ngoài sự kém cỏi của Trung Quốc đã giết hàng loạt người trên thế giới", Trump viết trên Twitter ngày 20/5.

Chính quyền Tổng thống Trump chỉ trích cách Trung Quốc xử lý ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và không minh bạch thông tin, khiến thế giới lãng phí 3, 4 tuần lễ vàng để đối phó với dịch bệnh. Mỹ cũng cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo sai lệch về dịch bệnh khiến các nước gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. 

Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhất trí thông qua nghị quyết do các thành viên Liên minh châu Âu, các quốc gia châu Phi và các quốc gia khác kêu gọi, nhằm "đánh giá toàn diện" một cách độc lập về phản ứng của WHO với đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 ngày 21/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 5 triệu  - 3

Trump nhấn mạnh Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. 

194 quốc gia thành viên của WHO đều đồng ý với nghị quyết do Liên minh châu Âu đưa ra, thay mặt cho hơn 100 quốc gia trong đó có Australia, Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã ký kết với tư cách là nhà đồng bảo trợ vào phút cuối, cho phép nghị quyết được thông qua.

Nghị quyết cho hay cuộc điều tra nên bao gồm cả việc xem xét những hành động của WHO, cũng như các mốc thời gian hành động của tổ chức này liên quan đến COVID-19.

"Đánh giá toàn diện" này nhằm xem xét "bài học kinh nghiệm" từ sự điều phối phản ứng toàn cầu của WHO trước sự bùng phát virus. Vẫn chưa rõ đánh giá sẽ được tiến hành cụ thể khi nào và do ai chủ trì.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, làn sóng nhiễm COVID-19 lần hai có nguy cơ trỗi dậy. Tờ Bloomberg hôm 18/5 đưa tin khoảng 108 triệu dân ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc tiếp tục phải sống trong tình cảnh bị phong tỏa thêm lần nữa. 

Ở châu Á, Ấn Độ đang thay thế Trung Quốc, Iran, trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhất với 5.553 trường hợp trong ngày, tổng số người chết là 3.434 trường hợp. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn