Chiều 31/10, tại phiên làm việc của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) có đề xuất đổi giờ học, giờ làm thành 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng để phù hợp hơn với đời sống đô thị.
Theo ông, nước ta đang áp khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp vào các đô thị phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, như vậy là không phù hợp. Việc đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.
Đề xuất này được nhiều người quan tâm. Đồng tình với đại biểu tỉnh Bình Định, bà Trần Trúc Mai (Hà Nội) cho rằng, giờ làm việc buổi sáng nên bắt đầu vào 8h30 và kết thúc vào 12h30; buổi chiều từ 13h30 đến 16h30, và làm luân phiên thêm ngày thứ Bảy.
"Nếu áp dụng giờ làm như tôi đề xuất thì sẽ đảm bảo làm đủ 40 giờ/tuần mà có thêm thời gian ăn sáng, ăn trưa, nghỉ trưa hàng ngày và được nghỉ luân phiên trọn vẹn 2 ngày cuối tuần bên gia đình thân yêu của mình" - bà Mai nói.
Chị Đỗ Lan (Quốc Oai) bày tỏ: "Tôi nghĩ buổi sáng nên làm việc từ 8h30 hoặc 9h bởi thực tế từ người lớn đến trẻ em bây giờ đều thức khuya, việc dậy sớm gây thêm mệt mỏi. Do đó, nếu điều chỉnh lại giờ làm thì sau khi lo công việc gia đình và ăn bữa tối xong, mọi người vẫn có thời gian vui chơi, giải trí cùng các con mà sáng thì không phải dậy quá sớm.
Đối với các em học sinh cũng vậy, tôi thấy các con tôi cũng như các bạn cùng lớp qua nhiều cấp học đều thức khuya học bài mà sáng phải dậy rất sớm. Nếu điều chỉnh lại giờ học cho cả học sinh thì các cháu sẽ có thời gian ngủ thêm để sức khỏe tốt hơn, tinh thần thoải mái thì học sẽ hiệu quả".
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng nên nghiên cứu và thí điểm đổi giờ làm việc, giờ học ở một số khu đô thị vì sẽ giúp giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm được nhiều thời gian đi làm, công việc hiệu quả hơn...
Tuy nhiên, không ít người cho rằng đề xuất đổi giờ làm của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chưa thực sự hợp lý. "Đổi giờ làm như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp tư nhân muốn làm giấy tờ phải nghỉ làm để chờ cơ quan nhà nước làm việc. Thời gian nghỉ trưa có một tiếng đồng hồ thì bữa trưa của gia đình sẽ phải ăn ngoài hàng quán và như vậy không có thời gian ngủ trưa.
Còn đối với đề xuất đổi giờ học, vào thời gian này thường ở quê tầm 5 giờ chiều mặt trời đã lặn rồi, thử hỏi lúc đó tan trường học sinh tiểu học có dám về nhà không?", chị Phan Thủy Bình (Thái Bình) nói.
Anh Nguyễn Quang Huy (Sơn La) phân tích: "Tôi nghĩ đổi giờ làm 7h30 sang 8h30 thì mọi người có thể kịp ăn bữa sáng đầy đủ cùng gia đình rồi đưa con đi học mà không phải vội đi làm. Tuy nhiên, việc đề xuất giảm giờ nghỉ trưa của người lao động xuống 1 tiếng là không ổn, bởi thời gian ngắn như vậy không thể vừa ăn cơm và nghỉ trưa được.
Ngoài ra, nếu đổi giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 thì hiệu quả công việc khu vực nhà nước không cao, người dân sẽ rất khó khăn trong việc liên hệ với chính quyền để làm việc. Từ đó có thể thấy rằng doanh nghiệp và người lao động sẽ không đồng ý với đề xuất này của đại biểu và tôi cũng vậy".
Thậm chí, chị Hà Thanh còn đề xuất đổi giờ làm sớm hơn, bắt đầu từ 6h sáng vì cho rằng khi ngoài trời đã sáng thì mọi người vẫn đang ngủ nhưng đến tối thì lại bật đèn sáng trưng để sinh hoạt khuya, gây tốn điện và không phù hợp với sinh lý con người.
Bình luận