Trong loạt bài phản ánh tình trạng “xe lớn phải bồi thường xe bé” của VTC News đăng tải thời gian qua, các luật sư, chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến chủ các “xe lớn” luôn bị bắt nạt khi xảy ra tai nạn, dù lỗi hoàn toàn thuộc về “xe bé”.
Trong số đó, quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…” (tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự) được cho chính là cơ sở trong luật để cái sai được bảo vệ.
Cần điều chỉnh luật
Nhận định về điều luật này, ĐBQH Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Luật pháp quy định nhưng chưa lường hết được các trường hợp, có những điểm chưa chặt chẽ, theo tư duy bất thành văn từ trước đến nay “đi ra đường xe lớn phải nhường xe bé”. Điều này là có vấn đề. Cần xem xét lại các quy định, chế tài xử lý, cần điều chỉnh và bổ sung để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Các cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan cần ngồi lại với nhau, phân tích vấn đề để chúng ta điều chỉnh bổ sung. Nếu đã điều chỉnh bổ sung, khi thực hiện phải tăng cường thực hiện, tuân thủ nghiêm pháp luật”.
Luật pháp quy định nhưng chưa lường hết được các trường hợp, có những điểm chưa chặt chẽ, theo tư duy bất thành văn từ trước đến nay “đi ra đường xe lớn phải nhường xe bé”.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái
Nêu quan điểm về việc có ý kiến cho rằng hệ quả khi tư duy “xe lớn bồi thường xe bé” ăn sâu vào cách thực thi pháp luật thì rất dễ biến pháp luật thành luật rừng, vị ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nói: “Tôi không khẳng định điều đó sẽ biến pháp luật thành luật rừng nhưng chắc chắn sẽ tạo tiền lệ xấu về ý thức xã hội. Hiện tượng xã hội này cứ lặp đi lặp lại, kéo dài từ thời điểm này qua thời điểm khác, từ năm này qua năm khác thì thực thi pháp luật không nghiêm”.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín - nói: “Phải thừa nhận một điều rằng xã hội đang có nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến luật pháp, luật định một đằng nhưng người dân thực hiện một nẻo”.
Vị luật sư cho rằng, trên thực tế, đã có nhiều sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc bồi thường phải được xác định trên yếu tố lỗi. Nếu như bên xe lớn (nguồn nguy hiểm cao độ) gây thiệt hại, nhưng thực tế không có lỗi mà lỗi do bên bị thiệt hại thì không thể áp dụng việc “bồi thường ngay cả khi không có lỗi” được.
“Ví dụ cụ thể trong một vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên cao tốc bị ô tô đâm trúng gây chết người. Nếu theo luật định thì xe máy chỉ vi phạm an toàn giao thông đường bộ khi đi vào đoạn đường không cho phép và bị phạt hành chính. Tất nhiên, khi người ta chết rồi thì không thể truy cứu được nữa.
Nhưng người lái ô tô, điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ lại có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do tông chết người. Chính điều này khiến cho người điều khiển “xe bé” trở thành người được bảo vệ trong mọi trường hợp. Vin vào đó, họ càng chủ quan, tai nạn liên quan đến “xe bé” đi sai ngày càng nhiều.
Phải xác định rõ ràng rằng, không biết xe máy cố ý hay vô tình đi ngược chiều trên cao tốc nhưng vấn đề để xảy ra tai nạn là do xe máy, lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe máy, chứ không đơn giản chỉ là vi phạm an toàn giao thông đường bộ”, luật sư Huy phân tích.
Luật sư Huy cho biết, thiệt hại xảy ra trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi vào đường cấm, đi ngược chiều là do hành vi trái pháp luật của người điều khiển chứ không phải do hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.
Vì vậy, chỉ có thể xem xét trách nhiệm dân sự thông thường do hành vi trái pháp luật của con người gây ra; ví dụ như người lái xe ô tô có bằng lái chưa, có sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện không… Nếu lái xe ô tô đáp ứng mọi yêu cầu khi điều khiển phương tiện thì không có lỗi trong vụ tai nạn nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Việc thực thi pháp luật chưa tốt
ĐBQH Lê Thanh Vân - ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ba Lan cho rằng “xe lớn phải bồi thường cho xe bé” là cách xử lý theo thông lệ, theo đạo lý nhưng đầy chất duy tình, bao biện, và hơn nữa là thiếu tính thượng tôn pháp luật.
“Người nào tự gây thiệt hại cho mình bằng hành vi vi phạm pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm. Anh điều khiển xe nhỏ, anh tự lao đầu vào xe lớn, tự gây ra tai nạn, người ta không bắt anh bồi thường là may chứ lại còn ăn vạ”, ông Vân nói.
Trước thực trạng này, vị ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, cơ quan chức năng, người thực thi pháp luật khi xử lý các sự việc phải căn cứ vào pháp luật.
“Tình trạng này đã kéo dài suốt bao nhiêu năm qua, thể hiện việc thực thi pháp luật chưa tốt, chưa tích cực, cho nên phần lớn người dân vẫn quan niệm rằng kẻ yếu thế có giá trị tài sản thấp hơn thì được quyền yêu cầu bồi thường cho dù hành vi sai đó là do mình gây ra. Cơ quan thực thi pháp luật không thực hiệm nghiêm điều này là đang dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật”, ông Vân nói.
Cơ quan thực thi pháp luật không xử lý nghiêm "xe bé" đi sai là đang dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật”
DBQH Lê Thanh Vân
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải tuân thủ luật pháp, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. “Dù anh là ai đi chăng nữa, khi vi phạm vẫn phải bị xử lý. Để người dân hiểu và thực hiện tốt thì công tác giáo dục pháp luật cũng cần phải được quan tâm nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi người”, ông Vân nói.
Còn ĐBQH Mai Khanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, tình trạng “xe lớn phải đền cho xe bé, xe đi đúng phải đền cho xe đi sai” là do lực lượng thực thi pháp luật, sự ứng xử trong xã hội, thói quen xã hội, tâm lý xã hội thường bênh vực những người yếu thế.
“Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, tiếp tục tái diễn sẽ hình thành thói quen xấu trong xã hội, người không lỗi lại phải bồi thường người có lỗi.
Tôi cho rằng phải tách bạch hai yếu tố. Trước tiên, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Còn vấn đề hỗ trợ nhân đạo hay từ thiện là việc khác, không thể nào cứ dung túng cho tư duy “xe lớn đền xe bé”. Điều này khiến cho chấp hành luật lệ giao thông không được nghiêm minh”, ông Mai Khanh nói.
Theo luật sư Trần Văn Huy, để quyền lợi của các bên được đảm bảo, xoá bỏ tư duy “xe lớn đền xe bé” sau tai nạn giao thông thì phải tăng nặng chế tài, các cơ quan ban ngành phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật.
“Tăng nặng chế tài để răn đe người dân, nhưng lực lượng thực thi pháp luật cũng phải làm đúng. Dân tư duy như thế và lực lượng chức năng cũng lại theo tư duy đó, bảo vệ những bên yếu thế nhưng có lỗi thì pháp luật không thể nghiêm minh”, luật sư Huy nói thêm.
“Người Việt khi xử lý công việc luôn có quan niệm “chín bỏ làm mười”, không căn cứ theo quy định của pháp luật. Ví dụ trong một vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc và đâm vào ô tô, chúng ta mặc nhiên cho rằng xe máy là đối tượng cần được ưu tiên hơn.
Nhưng bản thân anh chạy vào đường cao tốc, đi ngược chiều là anh đã vi phạm pháp luật rồi. Cấm chạy vào cao tốc nhưng vẫn chạy, chạy rồi khi gặp tai nạn vẫn được xử lý mang tính chất “du di” nên tạo ra tiền lệ không hay”.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái
Bình luận