"Phải tăng lương cơ bản càng sớm càng tốt", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phát biểu trong phiên thảo luận tổ, thuộc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 22/10.
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với phương án của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở thêm 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương này và đề xuất một số điều chỉnh để tác động hiệu quả hơn đến các nhóm cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp so với điều kiện của địa phương.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm: "Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức có lương chính thức không đủ sống. Đề nghị tăng lương cho bộ phận này nhiều hơn, nhanh hơn. Có những người làm cả chục năm, hằng tháng lĩnh lương 7-8 triệu, không đủ sống".
Đại biểu này cho rằng nếu thực hiện tăng lương dàn đều theo công thức chung sẽ không hiệu quả, không có tác động thiết thực đến các đối tượng cần nhất. Do đó, phải cân nhắc tới một số yếu tố khác để có sự điều chỉnh, ví dụ như xác định mức sống cơ bản theo vùng, theo địa phương.
"Mức sống tối thiểu ở các vùng có sự khác nhau. Ví dụ ở TP.HCM, đi xe ôm cũng mắc. Lương 7-8 triệu ở TP.HCM không sống nổi. Do đó, phải có sự điều tiết bằng thể chế", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Chung quan điểm này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu ý kiến: "Khi tăng lương cơ sở cần có chính sách hỗ trợ cho nhóm lương dưới mức trung bình để đảm bảo cuộc sống. Nhiều cán bộ công chức vào làm, lương cơ bản ban đầu nằm trong chuẩn nghèo của thành phố. Do đó, nên có chính sách hỗ trợ cho các cán bộ công chức mà mức tiền lương thực hưởng dưới mức chuẩn nghèo của địa phương".
Trong vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cũng đề nghị sớm thực hiện cải cách tiền lương đối với người lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
"Công nhân lao động rất vui mừng vì từ 1/7 được tăng lương tối thiểu vùng, tuy nhiên mức tăng thêm không đủ bù lạm phát, đời sống của người lao động vẫn như cũ", đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM nhấn mạnh lạm phát tăng cao khiến đời sống của người lao động khó khăn hơn. Các khoản chi phí tăng cao và nếu mức tăng lương không tương xứng, sự điều chỉnh của Nhà nước sẽ không hiệu quả.
"Người lao động hiện nay lo lắng chuyện sắp tới Tết sẽ thế nào. Tết 2022 đã rất khó khăn rồi. mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động có nhiều mâu thuẫn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, làm cho lương, thưởng và các chính sách cho người lao động không được duy trì. Năm nay, kinh tế sáng sủa hơn nhưng lại có lạm phát. Khoản chi tiêu của người lao động nhiều hơn nhưng nguồn thu nhập không đủ, dẫn tới phải đi vay ở các tổ chức tài chính vi mô, tín dụng đen", đại biểu Trần Thị Diệu Thuý nói.
Bình luận