• Zalo

'Đã nhiều lần cảnh báo rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp'

Tài chínhThứ Tư, 08/06/2022 10:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ tháng 4/2021, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8/6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tài chính trong quản lý, điều hành đối với một số diễn biến không lành mạnh trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. 

'Đã nhiều lần cảnh báo rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp' - 1

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ này đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Ngay từ năm 2021, từ tháng 4 đến tháng 9, chúng tôi đã ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chúng tôi cũng đã trả lời trên nhiều báo và Đài truyền hình Việt Nam về vấn đề này để cảnh báo nhà đầu tư”, ông Phớc nói.

Ngoài ram 1/9/2021 Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các cơ quan tiến hành thanh tra. Đến ngày 2/12/2021 thì tăng cường thanh tra, phát hiện sai phạm để xử lý.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, đến 1/4 năm nay, Bộ Tài chính lại tiến hành thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp chứng khoán và đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền tổng cộng hơn 29 tỷ đồng. Đây là một trong các bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Phớc cho biết sau quá trình thanh kiểm tra đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác.

Những xử lý này liên quan đến các trách nhiệm như ban hành các quy chế không đúng với thông tư của Bộ Tài chính và nghị định của Chính phủ; hoặc là để xảy ra tình trạng nghẽn mạch, nghẽn mạng công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến nhà đầu tư; thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát; hay khi phát hiện ra thì xử phạt hành chính nhưng không đưa ra các quyết định bổ sung là hủy giao dịch chứng khoán…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318 nghìn tỷ đồng; huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa đạt khoảng 143,5 nghìn tỷ đồng; phát hành TPDN đạt trên 637 nghìn tỷ đồng), tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu (cả Chính phủ và doanh nghiệp) là trên 250 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn