Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải đảo phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và các đối tác triển khai thực hiện. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) là một trong 3 địa phương (cùng với Rạch Giá và Phú Yên) tiếp nhận liên tục 2 dự án cùng về chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa với WWF-Việt Nam là Dự án Đô thị giảm nhựa (2019-2021) với nguồn lực của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (2020 – 2023).
Truyền thông gắn liền giáo dục
Xác định công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải đại dương là một trong những trọng tâm, UBND quận Thanh Khê đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan xây dựng và triển khai đồng loạt nhiều chương trình, hoạt động về truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo và cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Với sự hỗ trợ của Dự án, quận Thanh Khê đã xây dựng 13 pano di động kết hợp thùng rác phân loại (bảng booth hình trụ, khung sườn sắt, dán decal) với 03 mặt để tuyên truyền 03 nội dung: Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, Phân loại rác sinh hoạt nguy hại và Giảm rác thải nhựa để đặt tại 10 phường và Trung tâm hành chính quận Thanh Khê. Định kỳ, Đoàn Thanh niên Quận Thanh Khê cũng sẽ sử dụng các pano di động này để đi tuyên truyền kết hợp thu gom rác tái chế tại các khu vực dân cư.
Tập huấn, hướng dẫn phân loại và kiểm toán rác thải cho học sinh.
Đối với nhóm các trường học (giáo viên, học sinh), Dự án triển khai tập huấn đào tạo nguồn cho 150 giáo viên và cán bộ giáo dục của Quận Thanh Khê về giảm thiểu rác thải nhựa. Theo đó, tại chương trình tập huấn các đại biểu đã thảo luận và đề xuất kế thực hiện mô hình “Trường học giảm rác thải nhựa” trên địa bàn Thanh Khê.
Trên cơ sở đó, Dự án cũng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) xây dựng và triển khai mô hình “Trường học không rác nhựa”. Tập huấn kỹ năng truyền thông và lồng ghép nội dung truyền thông về giảm rác thải nhưa vào các môn học cho giáo viên và học sinh thuộc câu lạc bộ môi trường của các trường.
Ngoài ra, Dự án hỗ trợ các trường thực hiện các hoạt động ngoại khoá khác như làm phân bón hữu cơ, vườn cây xanh, sự kiện truyền thông về chủ đề giảm rác nhựa... Theo đó, năm học 2021-2022 đã tổ chức thực hiện thí điểm tại 03 trường trên địa bàn, và tiếp tục triển khai mở rộng thêm 03 trường trong năm học 2022-2023.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và chia sẻ về thông tin, kỹ thuật từ Dự án, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức ngày hội phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa vào ngày 22/10/2022 với sự tham gia của 500 học sinh, giáo viên đến từ 10 trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận.
Tại đây, học sinh các trường thi trưng bày các sản phẩm tái chế tại các gian hàng: các mô hình, sản phẩm tái chế, tuyên truyền phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa; Thi tiểu phẩm tuyên truyền; Thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa...
Đối với nhóm Hội viên Hội phụ nữ, Dự án xác định Hội phụ nữ chính là nhóm nòng cốt trong công tác truyền thông, giáo dục về thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa bởi đây là những nhân tố chính tham gia trong quá trình phát thải rác thải nhựa ra môi trường và cũng đồng thời là nhóm chủ thể có thể tiếp nhận thông tin nhanh chóng cũng như lan tỏa, truyền tải các thông điệp hiệu quả.
Dự án đã tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và vận động người dân cho 50 cán bộ cốt cán trong 2 ngày (ngày 8 và 9/8/2022) và 171 hội viên nòng cốt của các Chi hội Hội phụ nữ của 10 phường trên địa bàn quận Thanh Khê từ ngày 9 đến 11/11/2022.
Dự án cũng hỗ trợ cung cấp 300 túi lưới đi chợ cho hội viên Hội LHPN quận để giảm việc sử dụng túi nilon dùng 1 lần. Sau khi tiếp nhận các hỗ trợ từ Dự án, các hội viên Hội LHPN đã tích cực lồng ghép các kiến thức và kỹ năng được trang bị để tuyên truyền tới cộng đồng dân cư, đặc biệt là tích cực lan toả hoạt động mang túi lưới và các loại túi dùng nhiều lần để đi chợ, giảm lượng lớn túi ni-lông mới phát sinh từ các hoạt động mua sắm cho sinh hoạt gia đình.
Để tạo sự đồng thuận, thống nhất và xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn; UBND quận Thanh Khê đã tổ chức 02 buổi tuyên truyền cho 649 người là lãnh đạo Đảng ủy, UBND, cán bộ môi trường và Tổ trưởng tổ dân phố 10 phường thuộc quận, do báo cáo viên của Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn với nguồn lực từ ngân sách sự nghiệp của địa phương.
Trên cơ sở đó, UBND các phường tiếp tục tổ chức các buổi truyên truyền, nói chuyện trực tiếp với bà con nhân dân phân loại chất thải rắn tại nguồn vào các buổi tối tại các Khu dân cư trên địa bàn. Kết quả ghi nhận cho đến nay, 10/10 phường đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện phân loại Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ngoài ra, UBND quận cũng đã phối hợp chặt chẽ với Dự án để xây dựng và triển khai nhiều mô hình và sáng kiến như: Đổi rác tài nguyên lấy quà tặng, lấy cây xanh của đoàn Thanh niên; Ngôi nhà 200 đồng của Chi đoàn trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai; Phân loại rác thải nguy hại tại các Chi đoàn khu dân cư; Mô hình thu gom pin đã qua sử dụng bằng vỏ chai nhựa; Bình hoa An sinh xã hội, Đi chợ bằng giỏ nhựa, Chợ giảm thiểu rác thải nhựa của Hội Phụ nữ; Thùng rác môi trường; Trường học không rác thải nhựa;…
Các mô hình đã được triển khai thực hiện và duy trì thường xuyên, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, đóng góp một nguồn kinh phí không nhỏ cho việc duy trì hoạt động của mô hình và vào quỹ an sinh xã hội tại địa phương.
Đến nay, đã có hơn 27.560/36.327 hộ dân trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tổng số kinh phí thu được từ Chất thải rắn sinh hoạt tái chế: 344,6 triệu đồng.
Điểm sáng với mô hình “Điểm tập kết xanh”
Từ nhiều năm qua, lô đất trống có diện tích 3.000m2 trên đường Phan Xích Long (quận Thanh Khê) là nơi tập kết rác thải từ nhiều nơi, cỏ dại mọc cao, cảnh quan nhếch nhác không phù hợp với đô thị. Đây cũng là điểm tập kết của 10 xe rác đẩy tay loại 660 lít, khối lượng rác tập trung khoảng 5 tấn/ngày.
Ngoài ra, vào buổi tối, một số đối tượng còn đổ trộm giá hạ, xà bần và rác thải có kích thước lớn tại khu vực này, dần dần hình thành một điểm nóng về môi trường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm, khiến cho người dân sống xung quanh (phường An Khê) bức xúc mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều nỗ lực và ngân sách đã được đầu tư để dọn dẹp tại khu vực này nhưng vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề.
Trước thực trạng trên, Phòng TN&MT đã đề xuất Dự án cùng xây dựng phương án cụ thể để xóa điểm nóng này, biến nơi đây thành một điểm tập kết xanh, văn minh, hiện đại, không chỉ đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải mà còn thân thiện với môi trường và con người.
Trong quá trình thực hiện, Dự án đã hỗ trợ địa phương san gạt, tổng dọn vệ sinh môi trường, làm sạch mặt bằng khu đất trống này để UBND phường An Khê đầu tư kinh phí đồng thời vận động bà con đóng góp ngày công thực hiện việc láng nền làm khu vui chơi. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng “Điểm tập kết xanh” bằng 4 vách tole kiên cố, vẽ tranh tuyên truyền trên các mặt vách, trồng cây xanh tạo cảnh quan và hỗ trợ lắp đặt camera để giám sát việc đổ rác không đúng nơi quy định tại khu vực này.
Mô hình sau khi hoàn thành đang tạo ra tiếng vang lớn không chỉ trên địa bàn quận Thanh Khê, mà cả trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó một trong những thành công đáng ghi nhận nhất của mô hình “điểm tập kết xanh” đó chính là việc tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực.
Với những kết quả tích cực đó, phòng TN&MT đã chủ động tham mưu UBND quận thực hiện nhân rộng mô hình trên các khu vực khác trên địa bàn: cụ thể 2 điểm ở đường Trường Chinh và 1 điểm ở đường Yên Khê 2 bằng nguồn lực của địa phương. Đối với các khu vực này, Dự án cũng đã hỗ trợ thực hiện vẽ tranh bích họa tại các điểm, giúp tạo thêm sức hút, điểm nhấn cho mô hình. Trong năm 2022, Dự án cũng tiếp tục hỗ trợ Thanh Khê để nhân rộng mô hình này đối với 01 điểm tại tuyến đường Bàu Trảng 7; cũng như khảo sát để đánh giá hiện trạng các khu vực khác trên địa bàn.
Dự án cũng đồng hành cùng Hội LHPN mở rộng mô hình “bình hoa an sinh xã hội” để tăng cường tỷ lệ thu gom rác tái chế trong cộng đồng. Đây là mô hình do Hội LHPN quận chủ trì thực hiện từ đầu năm 2022, với mục tiêu ban đầu sẽ huy động nguồn lực để thiết lập được 110 lồng (thùng) thu gom rác tái chế. Tuy nhiên kết quả mang lại khả quan hơn khi Hội LHPN quận đã thực hiện được 240 thùng thu gom rác tái chế. Việc thực hiện mô hình đã thu hút sự tham gia và hưởng hứng trong đông đảo hội viên Hội LHPN quận cũng như bà con nhân dân. Trên cơ sở đó,
Dự án đã tiếp sức để hỗ trợ Hội LHPN quận tiếp tục mở rộng mô hình thêm 30 thùng rác “bình hoa an sinh xã hội” trên địa bàn. Việc vận hành mô hình này không chỉ giúp tăng lượng rác tái chế được thu gom trong cộng đồng mà còn góp phần thực hiện các hoạt động an sinh xã hội khác như tên gọi của mô hình. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa không chỉ đối với công tác bảo vệ môi trường, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo nên hiệu ứng hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thời gian qua.
Bình luận