Alireza Akbari, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Iran, người cũng đã đảm nhiệm các vị trí cao trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã bị Tehran xử tử treo cổ hồi tháng 1 vừa qua vì tội gián điệp. Mới đây, tờ New York Times của Mỹ đã tiết lộ các thông tin tường tận về vụ việc này.
Akbari đã tiết lộ cho Anh nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran trong suốt 15 năm. Các quan chức tình báo Anh đã thừa nhận Alireza Akbari, là một điệp viên MI6. Akbari, 62 tuổi, đã chuyển thông tin cho Anh từ năm 2004, bao gồm các chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran.
Các nguồn tin nội bộ nói với New York Times rằng, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Iran Alireza Akbari đã chuyển cho nước Anh các bí mật quân sự và cả hạt nhân của Iran từ năm 2004. Ông Akbari đã bị kết tội gián điệp và lĩnh án treo cổ vào ngày 14/1 năm nay. Khi đó, chính phủ Anh không thừa nhận Akbari làm việc cho MI6.
Akbari bị buộc tội làm rò rỉ bí mật vào năm 2019 sau khi Iran phát hiện, cộng với sự giúp đỡ của tình báo Nga, rằng ông đã tiết lộ vị trí của cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow dưới lòng đất ở tỉnh Qom, miền bắc Iran.
New York Times đưa tin rằng, một quan chức tình báo Anh đã đến thăm Israel vào năm 2008 và chia sẻ thông tin có được từ Akbari rằng Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Cựu Thứ trưởng Akbari cũng bị cáo buộc rằng xác nhận Iran làm giàu uranium tại một địa điểm ngầm ở Fordow.
Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Alireza Akbari nổi lên như một chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Ông chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 598 của Liên hợp quốc chấm dứt chiến tranh với Iraq năm 1988. Akbari tiếp tục làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran từ năm 1998 đến 2003.
Sau đó, ông Akbari bị bắt vì tình nghi làm gián điệp cho Anh vào năm 2008 rồi được tại ngoại. Akbari chuyển đến London cùng vợ Maryam và các con gái Atefah và Faezah của họ và định cư ở Hammersmith.
Ông trở thành công dân Anh vào năm 2012. Kể từ đó, Akbari đã quay lại Iran nhiều lần và bị bắt vào năm 2019 sau khi Iran, với sự giúp đỡ của tình báo Nga, xác định ông chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ bí mật quân sự và hạt nhân cho Anh. Ông cũng bị cáo buộc chia sẻ danh tính và lịch trình hoạt động của hơn 100 quan chức với các cơ quan tình báo phương Tây.
Họ bao gồm Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân được mệnh danh là “cha đẻ của hạt nhân Iran”, người sau này bị Israel ám sát vào năm 2020. Báo cáo của New York Times dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo hiện tại và trước đây từ Mỹ, Anh, Israel, Đức và Iran. Gia đình ông Akbari trước đó bác bỏ ý kiến cho rằng ông là gián điệp.
MI6 đã trả cho Akbari 2 triệu bảng Anh?
Ông Akbari từng là một quân nhân trước khi gia nhập chính phủ và trở thành thứ trưởng quốc phòng. Một trong những lý do khiến ông tránh chính quyền ở Tehran trong một thời gian dài là vì ông rất sùng đạo.
Akbari được cho là hết lòng vì đức tin Shia của mình, bày tỏ quan điểm chính trị cứng rắn và được các đồng nghiệp coi là người đầy tham vọng. Tại Iran, ông là người có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc phát triển vũ khí hạt nhân, tờ New York Times đưa tin.
Khi mối quan tâm quốc tế gia tăng về tham vọng hạt nhân của Iran vào khoảng năm 2004, chính ông Akbari là người đủ uy tín và tin cậy để gặp các đại sứ từ năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nói với họ rằng những lo ngại của họ là vô căn cứ.
Theo những tuyên bố từ Tehran, ông Akbari đã được tuyển dụng làm gián điệp vào thời điểm đó thông qua Đại sứ quán Anh và cả gia đình được cấp thị thực Anh. Iran cũng tuyên bố MI6 đã trả cho Akbari tổng cộng 2 triệu bảng Anh và ông đã thành lập các công ty ở Anh, Áo và Tây Ban Nha để làm bình phong cho việc gặp gỡ.
Năm 2008, khi các cơ quan tình báo phương Tây biết về địa điểm Fordow, ông Akbari đã nghỉ hưu, mặc dù ông vẫn là cố vấn cho người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, theo New York Times. Các nguồn tin Iran có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng nói với New York Times rằng mối liên hệ giữa ông Akbari và tiết lộ của Fordow sau đó đã được phát hiện. Điều đó được báo cáo từ tình báo Nga hỗ trợ, nhưng bản chất của thông tin Moscow không được biết.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ khi đó là Obama đã cáo buộc Iran xây dựng các cơ sở bí mật dưới lòng đất và ông sẽ không loại trừ các hành động quân sự nếu Iran không làm rõ về mức độ của chương trình. Các quan chức Iran cũng thừa nhận sự tồn tại của cơ sở Qom nhưng cho biết, nó đã được báo cáo.
Các quan chức phương Tây cho rằng, vào năm 2006, khi cơ sở làm giàu uranium bắt đầu đi vào hoạt động, Iran đã cho IAEA biết. Sau một cuộc kiểm tra vào tháng 10/2009, IAEA cho biết, họ không được hợp tác.
Tình hình tiếp tục leo thang cho tới 2015, Iran và một số nước đã ký thỏa thuận hạt nhân để hạn chế chương trình. Đổi lại, một số lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Đến năm 2018, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận trên.
Yoni Koren, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Israel đánh giá, thông tin được chia sẻ về cơ sở làm giàu uranium ở Fordow đã gây sốc.
Norman Roule, cựu Giám đốc tình báo về Iran tại CIA cho biết, việc phát hiện ra Fordow đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ của cộng đồng quốc tế với Iran.
Bình luận