Theo đó, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Nguyên nhân sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Đồng thời đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên Bộ Tài chính phản đối việc giảm 50% lệ phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 như đề xuất ban đầu của Bộ Công Thương.
Theo Bộ này, đề xuất trên nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.
Đối đáp lại, theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian áp dụng chính sách này chỉ hết năm 2020 và trong bối cảnh đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khả năng bị các quốc gia vi phạm cam kết là hầu như không có.
Đại diện Cục Công nghiệp cũng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp do các đại ký bán hàng tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo cách ly xã hội từ 1/4.
“Do đó, việc giảm 50% phí trước bạ sẽ kích thích thị trường, giảm tồn kho cho các nhà sản xuất”, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.
Vẫn theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, một số thành viên WTO, ASEAN cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự và vẫn được duy trì mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác. Philippines hiện áp dụng hình thức trợ cấp dựa trên năng lực sản xuất để khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước. Myanmar cũng có chính sách tương tự. Năm 2018, Chính phủ nước này cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng và thúc đẩy sản xuất ôtô trong nước nhằm thu hút các hãng nước ngoài.
Ngoài ra, để khuyến khích xe lắp ráp, Chính phủ miễn thuế hàng hóa đặc biệt và lệ phí trước bạ, trong khi xe nhập vẫn bị áp những thuế, phí này.
Bình luận