Theo Kyodo News, một tuần sau khi trận mưa xối xả trút xuống miền Tây nam Nhật Bản, gần 7.000 người đang đi sơ tán do lũ và sạt lở đất phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe vì cái nóng gay gắt quay trở lại và không thể sử dụng nhà vệ sinh.
Ít nhất 619 tòa nhà bị tàn phá do mưa lũ và sạt lở đất, nguồn cung cấp nước cho khoảng 207.500 hộ bị cắt tính đến sáng 13/7, trong khi nhiệt độ lên đến trên 30 độ C ở nhiều khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Tôi lo rằng lũ trẻ có thể bị sốc nhiệt” – Yoko Kitamura 30 tuổi đang ở tại trung tâm sơ tán Hiroshima với 4 đứa con cho biết.
Theo dự báo, nhiệt độ ở khu vực Tây nam tiếp tục tăng lên hơn 30 độ C trong những ngày tới. Đại diện cơ quan Quản lý thảm họa cảnh báo những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra với người dân trong thời tiết nóng nực, như say nắng ở những khu vực bị cắt điện hoặc nước.
Bên cạnh nắng nóng, vấn đề thiếu nhà vệ sinh tạm thời cho người dân vùng lũ cũng khiến các quan chức Nhật Bản phải đau đầu ứng phó.
Các trung tâm cứu hộ thiếu nhà vệ sinh tạm thời, hơn nữa số nhà vệ sinh này lại chủ yếu là kiểu ngồi xổm khiến nhiều người cao tuổi và trẻ em khó sử dụng. Bên cạnh đó, người dân còn nhịn ăn nhịn uống để tránh phải sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên.
Điều này khiến họ phải đối mặt với nguy cơ mất nước và tắc nghẽn máu cao, các chuyên gia cho biết. Trong những thảm họa trước đây, nhà vệ sinh kiểu này cũng từng khiến những người đang sơ tán e ngại vì nhiều trẻ em chỉ quen với nhà vệ sinh theo kiểu phương Tây.
Dù cơ quan thời tiết Nhật Bản đã ban hành cảnh báo bắt đầu từ ngày 6/7 đến 11 khu vực bao gồm những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hiroshima, Okayama và Ehime, nhưng vẫn có hơn 200 người thiệt mạng và 60 người khác mất tích do mưa lũ.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng, ngoài 73.000 nhân viên cứu hộ, 5.500 tình nguyện viên cũng tham gia hỗ trợ sau mưa lũ và con số này dự đoán còn tăng lên.
Video: Mưa lũ lịch sử ở Nhật Bản, hàng trăm người thiệt mạng và mất tích
Bình luận