Hôm 24/5, hải quân Trung Quốc thông báo gần đây tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Trong đó, các máy bay chiến đấu dội bom vào các mục tiêu trong khi các phi công tăng cường khả năng tác chiến trên biển và tấn công chính xác.
Trong bản tin đăng tải cùng ngày, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết một lữ đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía nam của quân đội Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ JH-7 tham gia tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông.
Theo CCTV, hàng chục tiêm kích tham gia các bài huấn luyện lướt trên biển ở độ cao thấp, xuyên thủng tuyến phòng thủ của đối thủ, bắn rocket, đạn đại bác và thả bom vào các mục tiêu trên biển.
"Cuộc tập trận đã nâng cao kỹ năng của phi công trong các cuộc tấn công trên biển và các cuộc tấn công chính xác",CCTV đưa tin.
Tuyên bố về cuộc tập trận được đưa ra vài ngày sau khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra nhằm "khẳng định quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đây là lần thứ ba Mỹ tiến hành hoạt động này trên Biển Đông nhằm chống lại yêu sách phi lý của Bắc Kinh kể từ đầu năm đến nay.
“Các yêu sách hàng hải phi lý và bao trùm tại Biển Đông đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, thương mại tự do và không bị cản trở, cùng với quyền tự do nắm bắt cơ hội kinh tế của các quốc gia ven Biển Đông”, ông Nicholas Lingo - người phát ngôn của Hạm đội 7 của Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho biết hoạt động tập trận mới đây của Trung Quốc không phải là để đáp trả động thái mới của Mỹ mà chỉ là cuộc diễn tập thường xuyên nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu này", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nêu rõ.
Bình luận