• Zalo

Cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ - Nhật – Pháp gửi thông điệp gì tới Trung Quốc?

Tư liệuThứ Năm, 13/05/2021 07:12:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Cuộc tập trận đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Pháp gửi thông điệp tới Trung Quốc giữa bối cảnh các nước này coi Bắc Kinh ngày càng là mối đe dọa rõ ràng hơn.

Ngày 11/5, Pháp đã bắt đầu tham gia diễn tập quân sự chung cùng Mỹ và Nhật Bản ở khu vực phía Nam Nhật Bản, tập trung vào một số tình huống, bao gồm việc bảo vệ các hòn đảo xa bờ và đánh chặn tàu thuyền trên biển.

Cuộc tập trận chung đầu tiên

Cuộc tập trận kéo dài 1 tuần này là lần đầu tiên các đơn vị của Pháp tiến hành diễn tập cùng các lực lượng của Nhật Bản và Mỹ. Các nhà phân tích nhận định, các cuộc diễn tập này được tiến hành nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc, vốn được cho là ngày càng gây hấn hơn.

Cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ - Nhật – Pháp gửi thông điệp gì tới Trung Quốc? - 1

Tàu khu trục Surcouf của Pháp. (Ảnh: Twitter)

Cuộc tập trận trên diễn ra ở tỉnh Nagasaki tại Căn cứ Ainoura của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đồng thời là trụ sở của Lữ đoàn triển khai nhanh đổ bộ (ARDB).

Đơn vị được thành lập năm 2018 và dựa trên mô hình của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ này có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa bờ của Nhật Bản. Căn cứ của lực lượng này cách quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư khoảng 1.000 km.

Một số cuộc tập trận cũng sẽ diễn ra ở Trung tâm Huấn luyện Kirishima ở Kyushu, cũng như trên biển và trên không ở phía Tây đảo chính này. Các nội dung huấn luyện của quân đội 3 quốc gia sẽ bao gồm triển khai lực lượng từ trực thăng, các chiến dịch đổ bộ và các trận đánh đô thị giả lập. Các lực lượng cũng sẽ tiến hành diễn tập các chiến dịch cứu trợ nhân đạo nếu thảm họa tự nhiên xảy ra.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết trong một thông báo rằng một nhóm tác chiến đổ bộ, dẫn đầu là tàu Jeanne d’Arc, đi cùng là tàu khu trục Surcouf và tàu sân bay trực thăng Tonnere, sẽ được triển khai trong vòng 6 tháng tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Đây không chỉ là nhiệm vụ huấn luyện mà còn là một chiến dịch thực sự nằm trong chiến lược quốc phòng của Pháp ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chiến lược này có mục đích tái khẳng định lợi ích của Pháp ở khu vực qua việc tăng cường hiện diện, cũng như thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và khu vực", thông báo trên cho hay.

Thông điệp gửi tới Trung Quốc

Bên cạnh việc là một quốc gia châu Âu, Pháp cũng tự coi mình như một quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi nước này có 5 vùng lãnh thổ và 1,5 triệu công dân ở đây, trong đó có 8.000 quân thường trực.

Đô đốc Pierre Vandier nhận định trong một chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 11 rằng khu vực này có ý nghĩa quan trọng với Pháp.

"New Caledonia và French Polynesia là một phần lãnh thổ của Pháp và có quân đội Pháp đóng ở đây. Các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương là láng giềng của chúng tôi. Việc chúng tôi đóng quân ở đây nhằm đảm bảo sự hiện diện của Pháp và sự an toàn của các vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực", ông Pierre Vandier cho hay.

Đô đốc này cũng nhận định ông hy vọng các các cuộc tập trận sẽ tăng cường sự hiện diện của Pháp trong khu vực và "truyền tải về sự hợp tác giữa Pháp và Nhật Bản" với Trung Quốc.

"Thông điệp của chúng tôi là nhắm đến Trung Quốc, theo đó nhấn mạnh đến sự hiện diện của các đối tác đa phương và truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của tự do hàng hải cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ".

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, đợt triển khai lực lượng lần này cũng là một phần trong kế hoạch củng cố các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên trước các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong suốt quá trình triển khai, tàu Surcouf sẽ hoạt động ở biển Hoa Đông nhằm ngăn chặn bất kỳ tàu thuyền khả nghi nào cố gắng phá vỡ lệnh trừng phạt.

Hoạt động của lực lượng Pháp là một phần trong nỗ lực tăng cường các lực lượng của châu Âu trong khu vực, các nhà phân tích nhận định. Ngoài Pháp, tàu chiến Đức dự kiến sẽ tới Nhật Bản vào mùa hè này và các lực lượng tác chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ tham gia các cuộc tập trận với các lực lượng của Nhật Bản vào nửa cuối năm nay.

"Chúng tôi coi sự gia tăng các cuộc tập trận của các nước châu Âu là sự can dự lớn hơn ở khu vực, đặc biệt khi Trung Quốc trỗi dậy và gia tăng các hành vi hung hăng ở Biển Đông", Akitoshi Miyashita, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Sophia ở Tokyo cho hay.

"Nhật Bản cam kết tham gia không chỉ với Mỹ trên các vấn đề an ninh và còn tăng cường hợp tác với các nước châu Âu nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc", chuyên gia này đánh giá.

"Nhật Bản chắc chắn hy vọng những chuyến viếng thăm như thế này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai nhưng tôi cho rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh gia tăng sức ép với các nước như thế nào, có lẽ là qua các biện pháp kinh tế".

James Brown, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo thì đánh giá, Bắc Kinh có lẽ sẽ lo ngại về việc nhiều quốc gia tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt nếu điều đó có thể dẫn đến sự mở rộng không chính thức của Đối thoại An ninh Bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue), hiện đã đưa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ xích lại gần nhau. Một mối lo ngại khác với Trung Quốc là sự tăng cường về quy mô và phạm vi hiện nay của liên minh tình báo Ngũ Nhãn gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.

"Sẽ có một vài hình thức phản ứng từ phía Trung Quốc đối với cuộc tập trận này. Có lẽ chủ yếu chỉ là những tuyên bố nhưng chúng ta cần xem xét chiến lược "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc khi Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ điều gì mà nước này cho là mối đe dọa”.

"Trung Quốc rất lo ngại về khả năng mở rộng Quad, thậm chí cả khi đây chỉ là một tổ chức không chính thức bởi Bắc Kinh coi liên minh này nhắm trực tiếp vào mình", chuyên gia James Brown cho hay.

Kiều Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn