• Zalo

Cuộc hội ngộ của cô bộ đội và cháu bé trong bức ảnh khi giặc Trung Quốc xâm lược

Phóng sựThứ Hai, 29/02/2016 06:30:00 +07:00Google News

Chị Hiền đỡ bà Mùi dậy, thay áo mới cho mẹ, rồi 2 người phụ nữ lại tiếp tục ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

(VTC News) - Chị Hiền đỡ bà Mùi dậy, thay áo mới cho mẹ, rồi 2 người phụ nữ lại tiếp tục ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

Bài viết dưới đây có sử dụng tư liệu tư Báo Thanh Niên về hành trình 3 năm đi tìm hồi kết cho câu chuyện cổ tích giữa cô bộ đội và bé gái trong bức ảnh 37 năm trước của nhà báo Mai Thanh Hải và các đồng nghiệp ở báo Thanh Niên.
Kỳ 1: Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt

37 năm trước, bà Bùi Thị Mùi ( khu 7 xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) mới 21 tuổi, là chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, Sư đoàn 346, trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại chiến trường Cao Bằng.

Cũng thời điểm đó, chị Hoàng Thị Thu Hiền (xã Hưng Đạo, An Hòa, Cao Bằng) mới chỉ là một bé gái 3 tuổi, chưa biết gì về sự khốc liệt, những nỗi đau mà chiến tranh mang đến.

Hai số phận ấy, đã gặp gỡ giữa lúc chiến tranh loạn lạc, ở bên nhau chỉ được 1 ngày 1 đêm, rồi bặt tin nhau mãi mãi. Từ bức ảnh tuyệt đẹp, mà 37 năm sau, họ được hội ngộ trong nước mắt.

Bức ảnh lịch sử

Trong căn nhà nhỏ ven đồi xã Hanh Cù, nhắc lại những kỷ niệm chiến tranh, bà Bùi Thị Mùi không ngăn nổi xúc động, bật khóc nức nở. Bà bảo rằng, đó là một trong những khoảnh khắc chiến tranh mà bà nhớ mãi. Khoảnh khắc đó đã được ghi lại bởi một phóng viên chiến trường. Về sau, khi bức ảnh trở nên quá nổi tiếng, bà mới biết người chụp là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường.


Tháng 3/2015, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người gây đa chấn thương. Nếu không có sự chăm sóc của chồng và sự cứu chữa tận tình của các y bác sĩ thì bà Mùi đã không qua khỏi. Bà trải qua các cuộc phẫu thuật ở 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Việt Trì. Bà bị gãy 8 xương sườn, gãy 3 đốt sống cổ, toàn bộ phần cơ thể phía dưới đã bị tê liệt, phải nằm một chỗ. Tuy nhiên, trí nhớ của bà vẫn minh mẫn. Câu chuyện năm xưa cứ hiện về như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Bức ảnh cô bộ đội và cháu bé trong Chiến tranh biên giới của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Tường
Bức ảnh cô bộ đội và cháu bé trong Chiến tranh biên giới của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Tường  

17/2/1979, lính Trung Quốc bất ngờ ồ át tấn công toàn tuyến biên giới. Ở Cao Bằng, chỉ vài ngày sau, chúng đã đánh đến huyện Hòa An, và tấn công đơn vị của bà đang đóng quân tại đó. Tất cả các cán bộ chiến sĩ cho đến quân y, hậu cần… đều phải cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược.

“Chúng quá đông, toàn bộ sư đoàn bị bao vây nên chúng tôi được lệnh tùy nghi rút lui bảo toàn lực lượng. Đêm đó, tôi chỉ kịp ôm khẩu AK cùng một băng đạn và ít vật dụng rút lui cùng trung đội, nhưng đến sáng thì mọi người lạc nhau hết”, bà Mùi hồi tưởng lại.

Sáng 24/2/1979, lúc chạy đến khu vực bản Tấn, bà Mùi gặp mấy chiến sĩ đang loay hoay bên 2 mẹ con thường dân Cao Bằng. Người mẹ đang bị thương rất nặng bên phía chân phải, máu chảy đầm đìa, còn đứa bé đang ngất lịm. Lúc đó, các chiến sĩ cõng người mẹ đi, và yêu cầu bà bế đứa bé, rồi cả tốp đưa 2 mẹ con về trạm phẫu phía sau đèo Tài Hồ Sìn, thuộc địa phận huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn.

Cả bà Mùi và chị Hiền đều giữ tấm ảnh như bảo vật
Cả bà Mùi và chị Hiền đều giữ tấm ảnh như bảo vật và đau đáu tìm lại được nhau 

Giữa cái lúc hỗn loạn, thì bất ngờ có một phóng viên ảnh đi qua, nhìn thấy cảnh tượng ấy, phóng viên ảnh cất tiếng gọi: “Đồng chí cho tôi xin chụp một bức ảnh”. Bà Mùi cũng chỉ kịp quay người bế đứa bé đứng trước ống kính, xong rồi lại chạy vọt đi.

Lúc giao bé gái lại cho các y tá ở trạm phẫu, nhìn đứa bé cứ khóc thét và đưa 2 tay như muốn níu với mình, bà Mùi ứa nước mắt, không muốn rời xa. Nhưng lúc đó bà là một chiến sĩ, bà phải cầm súng quay lại tìm đơn vị và tiếp tục chiến đấu.

Chỉ ít lâu sau, bức ảnh khoảnh khắc bà Mùi bế bé gái được đăng trên Báo Quân đội nhân dân với chú thích ngắn gọn: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em”.

Bức ảnh đã tạo nên niềm xúc động lớn, phơi bày sự mất mát, chia ly, sự tàn khốc của cuộc chiến tranh.
Video: Chiến tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa... 11 dòng


Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt

Sau chiến tranh biên giới phía bắc, bà Mùi xuất ngũ trở về Phú Thọ. Năm 1981, bà lập gia đình với ông Nguyễn Thanh Long và sinh sống ở xã Hanh Cù từ đó đến nay. Tròn 35 năm, vợ chồng bà vẫn không có con. Anh em họ hàng cứ động viên hai vợ chồng xin con nuôi cho tuổi già đỡ cô quạnh, nhưng bà nhất quyết không. Bà luôn vững một niềm tin rằng, ngày nào đó, mình sẽ gặp lại được cô bé mà mình từng cứu được trong trận chiến khốc liệt ở Cao Bằng 37 năm về trước. Bà Mùi vẫn coi đó là con gái của mình, dù chỉ 1 ngày 1 đêm bà được làm mẹ.

Và niềm tin của bà đã được đền đáp. Bao năm nay, bà Mùi đã tìm hết tất cả mọi cách, nhờ hết những đồng đội cũ để có thể trả lời được câu hỏi cô bé năm xưa đang ở đâu? Hiện giờ như thế nào? Những hình ảnh một thời chiến tranh tàn khốc cứ ám ảnh cả trong những giấc mơ của bà.

Khi hy vọng nhỏ nhoi trong bà Mùi tưởng chừng như đã vụt tắt vì bản thân bà tàn tật, gia đình lại càng thêm khó khăn, thì một phép màu xảy đến, 2 con người, 2 số phận, đã được gặp lại nhau sau 37 năm xa cách.

Cuộc hội ngộ xúc động
Cuộc hội ngộ xúc động 

Buổi sáng ngày 28/2/2016, tại ngôi nhà nhỏ ven đồi thuộc xã Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ), là cuộc gặp gỡ đặc biệt, là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của 2 người phụ nữ. Bé gái năm xưa giờ đã là một phụ nữ trung tuổi, hiện là cán bộ của một xã thuộc TP.Cao Bằng. Còn người chiến sĩ trong bức ảnh lịch sử ấy, hiện giờ đã 58 tuổi, vẫn đang nằm liệt giường sau vụ tai nạn đầu năm 2015.

Chị Hoàng Thị Thu Hiền bước chân vào nhà, họ sững sờ nhìn nhau không nói nên lời, thời gian như ngừng lại. Phải mất một lúc, chị Hiền mới lao đến bên giường, ôm chầm lấy bà Mùi và gọi lớn: “Mẹ của con đây rồi, mấy chục năm qua, giờ con mới tìm được mẹ…”.

Bà Mùi như nghẹn lại bởi niềm xúc động quá lớn, chỉ biết run rẩy đưa bàn tay già cỗi vuốt nhẹ mái tóc đã điểm bạc của cô bé năm xưa. Lát sau, bà khẽ thốt lên: “Bé ngoan, bé vẫn ngoan lắm”, rồi cứ thế nằm im thẫn thờ với hai dòng nước mắt chảy dài bên gò má.

Quà cho mẹ, chị Hiền chỉ kịp mua mấy cái áo mới. Bởi lúc nhận được tin người mẹ thứ 2 của mình hiện đang còn sống ở Phú Thọ, bất kể đêm hôm, chị cùng người thân tức tốc bắt xe từ Cao Bằng xuống. Chị mong chờ cái khoảnh khắc này đã lâu lắm rồi.

Chị Hiền gặp lại bà Mùi sau đúng 37 năm
Chị Hiền gặp lại bà Mùi sau đúng 37 năm 
Chị Hiền đỡ bà Mùi dậy, thay áo mới cho mẹ, rồi 2 người phụ nữ lại tiếp tục ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

Anh em, họ hàng, con cháu, và cả những người hàng xóm quanh đó biết chuyện kéo đến chứng kiến đông nghịt, không ai kìm nén được xúc động. Họ bảo rằng, đó là sự kỳ diệu của cuộc sống.

Video: Cuộc hội ngộ của cô bộ đội và cháu bé trong bức ảnh khi giặc Trung Quốc xâm lược
VTC14
Những giọt nước mắt đã rơi, nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của hội ngộ, trùng phùng sau 37 năm xa cách.

Tất cả manh mối về câu chuyện 37 năm trước chỉ là một khoảnh khắc được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Thường lưu giữ trong một bức ảnh. Bức ảnh ấy, cả 2 người phụ nữ vẫn luôn mang theo bên mình như một kỷ vật.

Còn tiếp…

Hoàng Hà
Bình luận
vtcnews.vn