• Zalo

Cuộc hội ngộ 37 năm sau Chiến tranh biên giới: Mong con trong cả giấc mơ

Phóng sựThứ Ba, 01/03/2016 06:38:00 +07:00Google News

Bà cầm mảnh lương khô rồi bóp mềm trong tay và đút bé ăn dần từng tý cho đỡ đói.

(VTC News) - Bà cầm mảnh lương khô rồi bóp mềm trong tay và đút bé ăn dần từng tý cho đỡ đói.

Bài viết dưới đây có sử dụng tư liệu từ Báo Thanh Niên về hành trình 3 năm đi tìm hồi kết cho câu chuyện cổ tích giữa cô bộ đội và bé gái trong bức ảnh 37 năm trước của nhà báo Mai Thanh Hải và các đồng nghiệp ở báo Thanh Niên.
Kỳ 2: Mẹ tìm được con trong cả giấc mơ

Đối với bà Bùi Thị Mùi (khu 7, xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ), người nữ chiến sĩ trong bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường, một ngày được ở bên và chăm sóc cô bé Hoàng Thị Thu Hiền, cũng chính là một ngày bà được làm mẹ trong cuộc đời này.

Chiến tranh là thế, đau thương, mất mát, máu và nước mắt, cả những oán hờn, nhưng trong chiến tranh tình người hiện lên thật cao cả và đầy tính nhân văn, dù câu chuyện này đã xảy ra 37 năm trước.

Bà rơm rớm nước mắt kể rằng, bé Hiền ngoan lắm, hình như cũng biết đang ở nơi nguy hiểm nên không hề khóc lúc bà ôm cô bé chạy. Những lúc bé Hiền cựa quậy, bà Mùi lại ôm chặt vào lòng, ủ vào ngực lấy chút hơi ấm.

Chị Hiền và người mẹ đều xúc động
Chị Hiền và "người mẹ" đều xúc động 
Chạy giặc nên không có gì ăn. Lúc đó lính Trung Quốc đã rút khỏi Tài Hồ Sìn. Suốt cả đêm trong rừng, tốp chiến sĩ nhặt được mấy phong lương khô bọn giặc đánh rơi. Bà Mùi đói lắm nhưng không dám ăn, chỉ uống nước suối. Bà cầm mảnh lương khô rồi bóp mềm trong tay và đút bé ăn dần từng tý cho đỡ đói.

Ở Cao Bằng tháng 2/1979, xuất hiện đội quân mà người dân thời đó thường gọi là quân Sao đỏ Trung Quốc. Chúng thực hiện phương châm 3 sạch: cướp sạch, giết sạch, đốt sạch… Chúng gặp dân thì giết dân, gặp bộ đội thì giết bộ đội, đốt phá hết không còn để lại gì trên con đường càn quét.

Lúc cùng các đồng đội đưa 2 mẹ con ra khỏi vòng vây, bà Mùi thương lắm, nghĩ bụng phải tìm mọi cách để giữ được cho bản thân mình phải sống, thì mình mới đưa được đứa bé về được hậu phương.

Cô bộ đội và bé Hiền
Cô bộ đội và bé Hiền 
“Phóng viên chụp xong bức ảnh là tôi chạy luôn vì sợ bị lộ, bọn Trung Quốc giết hại. Phóng viên ấy cũng không kịp hỏi han điều gì. Lúc giao bé Hiền cho các y tá ở trạm phẫu, tôi chỉ ứa nước mắt nhìn bé khóc lên níu với mình, rồi lại chạy vụt về phía chiến trường với nhiệm vụ của một người lính. Tôi chỉ chắc chắn là cô bé sẽ được cứu sống và chăm sóc. Tôi không cho địa chỉ, không cho tên tuổi, không cho đơn vị, dù tôi luôn mong được gặp lại bé từng ngày”, bà Mùi bật khóc.

Bà Mùi lúc đó không biết rằng, bức ảnh nổi tiếng mà nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường chụp vội đã được đăng lên báo Quân đội nhân dân.

Tờ báo được đưa về đơn vị, đồng đội cùng đơn vị xem rồi gọi lớn: “Mùi ơi, nhà báo đưa ảnh cô lên đây rồi nè”. Quá xúc động, bà Mùi xin cắt lại bức ảnh, nâng niu như một kỷ vật cuộc đời và luôn mang theo bên người mình. Trong thâm tâm bà vẫn nghĩ, nhất định mình sẽ phải tìm lại cô bé trong khoảnh khắc lịch sử đó.

Bà Mùi
Bà Mùi 
Mấy năm sau chiến tranh, bà Mùi trở lại thăm mảnh đất Cao Bằng. Cảnh tàn khốc tan hoang vẫn còn đó, như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà tìm bé gái, nhưng tất cả chỉ là vô vọng, không một ai biết bé gái đang ở đâu, hiện giờ như thế nào, đã tìm lại được bố mẹ ruột của mình hay chưa?

Tốp chiến sĩ đưa 2 mẹ con thường dân băng rừng về hậu phương năm trước đó, bà không nhớ nổi một ai. Mỗi người ở một đơn vị khác nhau, họ lại quay trở lại tiếp tục chiến đấu rồi không gặp lại nhau nữa. Bà Mùi chỉ nhớ được người chiến sĩ cõng bà mẹ bị thương đêm đó tên là Thành. Về sau bà mới biết ông Thành hiện đang sinh sống ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Tuy nhiên, trong ký ức của ông Thành, ông cũng chỉ nhớ là có giao đứa bé cho một nữ chiến sĩ, không biết đó là ai?
Video: Cuộc hội ngộ xúc động của nữ bộ đội và cô bé


Bà Mùi đã nhờ hết tất cả những người mình quen biết để tìm tung tích của chị Hiền. Bao nhiêu năm đã qua, niềm hy vọng nhỏ nhoi của bà cứ vơi dần. Lập gia đình và chuyển về sinh sống ở xã Hanh Cù, 35 năm qua hai vợ chồng không có con. Bà vẫn không nhận con nuôi, và luôn tin tưởng mình sẽ được gặp lại cô bé năm xưa.

Tôi hỏi, trước thời điểm ngày 28/2/2016 lúc 2 người phụ nữ hội ngộ trong nước mắt, bà có linh cảm nào không? Hay nói cách khác là có thần giao cách cảm, hay có điềm báo trước về một cuộc gặp gỡ? Bà Mùi bảo cũng không biết nữa, nhưng cách đây mấy năm, bà liên tiếp đêm nằm mơ thấy có một bé gái ở Cao Bằng tìm đến Phú Thọ, bé đưa hai bàn tay ôm chặt lấy bà và cất lên tiếng gọi: Mẹ ơi !... Bà Mùi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya, mới nhận ra rằng đó chỉ là giấc mơ hão huyền. Tuy nhiên, bà vẫn luôn hy vọng, và mong chờ một ngày nào đó…

Đối với người nữ chiến sĩ năm xưa ấy, một ngày cũng nên nghĩa mẹ con, một ngày được tự tay chăm sóc và bảo vệ đứa con thân yêu của mình, cũng là một ngày duy nhất trong cuộc đời bà được làm mẹ đúng nghĩa.

Vụ tai nạn tháng 3/2015, do gia cảnh khó khăn nên chưa hết đợt điều trị bà Mùi đã xin ra viện về nhà. Giờ bà đã có thể ngồi được nhưng hầu hết thời gian là nằm một chỗ. Nhà có gì bán hết để chạy chữa, bố chồng cũng mới mất trong năm. Bao nhiêu sóng gió cuộc đời, nhưng tôi vẫn thấy trên khuôn mặt bình dị ấy, đâu đó vẫn ngời lên nét lạc quan của người lính bất khuất năm xưa, dù đôi khi trong câu chuyện đôi mắt bà đỏ hoe xúc động. Bà bảo, mình không còn đủ điều kiện để tìm gặp bé Hiền nữa, nhưng bà tin rằng nhất định mình sẽ được gặp.

Thêm một thông tin thú vị nữa: Bà Mùi có người cháu hiện cũng đang công tác trong quân đội, đóng quân trên TP.Việt Trì. Cách đây mấy hôm, anh bộ đội tìm đến nhà, rồi hỏi rằng: "Lúc bác đi bộ đội và chiến đấu năm 1979 ở chiến trường Cao Bằng, bác có bế đứa nhỏ nào không?".

Bà sững sờ bảo có, rồi tìm lại bức ảnh năm xưa, rồi nức nở kể lại cái khoảnh khắc mà mình luôn ghi nhớ ấy. Trùng khớp với bức ảnh mà người chiến sĩ đã in ra và mang đến. Hỏi mới biết, bức ảnh đó được đưa lên trên mạng, và cô bé năm xưa đã tìm kiếm bà bao nhiêu năm rồi. Người ta đã xác định được đó là chị Hoàng Thị Thu Hiền, hiện đang sinh sống và công tác ở Cao Bằng. Tất cả những gì bà kể lại, khớp hết với những lời kể của các nhân chứng năm ấy.

Anh bộ đội cũng bật khóc vì xúc động, tức tốc phản hồi lại những thông tin trên mạng, rằng đã tìm được người nữ chiến sĩ bế đứa bé trong bức ảnh nổi tiếng, Người nữ chiến sĩ vẫn còn sống và hiện ở Phú Thọ, rồi thông báo địa chỉ cụ thể, số điện thoại của gia đình bà Mùi.

Cũng kể từ hôm bà biết là đã tìm ra thân thế của cô bé năm xưa. Buổi sáng ngày 28/2/2016 đối với bà Bùi Thị Mùi, là những khoảnh khắc không thể nào quên.

Còn tiếp…


Hoàng Hà
Bình luận
vtcnews.vn