• Zalo

Cuộc đua nhiều thách thức của dịch vụ truyền hình trên internet

Thị trườngThứ Năm, 01/07/2021 20:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dịch vụ truyền hình Internet đang gặp phải nhiều thách thức, phải bứt phá hơn để khẳng định vị thế của mình trên “sân nhà”.

Được xác định là xu hướng tất yếu của truyền hình thế giới và trong nước, dịch vụ truyền hình Internet (OTT) đang từng ngày khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, để phát triển bền vững dịch vụ OTT, các doanh nghiệp phải vượt qua nhiều thách thức về nội dung, cạnh tranh với các nhà viễn thông đang làm OTT hay vấn đề về vi phạm bản quyền.

"Lép vế" trên sân nhà?

Truyền hình trả tiền đã và đang là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động thông tin tuyên truyền chính trị cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí của người dân cả nước.

Tại Việt Nam có hơn 20 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động (trong số 35 doanh nghiệp truyền hình trả tiền). Theo các chuyên gia, Việt Nam còn được đánh giá là một thị trường tiềm năng khi lượng người thường xuyên truy cập internet dự báo sẽ ngày càng tăng, có thể đạt tới 92% vào năm 2023 (năm 2018 là 54%).

Cuộc đua nhiều thách thức của dịch vụ truyền hình trên internet - 1

Cuộc đua nhiều thách thức của dịch vụ truyền hình trên internet. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, những năm gần đây, trong khi thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, ở mức tăng 4-5%, thì thuê bao truyền hình OTT tăng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với mức tăng tới 50%/năm. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, thuê bao truyền hình Internet đạt xấp xỉ 3,7 triệu, chiếm hơn 20% tổng thuê bao truyền hình trả tiền toàn quốc, dự báo tăng trưởng dịch vụ này sẽ ở mức ít nhất gấp 2 lần vào năm 2026.

Mặc dù chiếm số lượng nhiều hơn trên thị trường nội địa song trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí trong nước đang bị các nhà cung ứng nước ngoài (dịch vụ xuyên biên giới) "lấn sân". Các doanh nghiệp OTT truyền hình nước ngoài đã chiếm tới hơn 50% thị phần trong nước với nhiều nền tảng lớn trên thế giới như: Netflix, YouTube, Amazon (Mỹ); Iflix (Malaysia); WeTV, IQIYI (Trung Quốc).

Với lợi thế về công nghệ, nguồn lực, các nền tảng xuyên biên giới đã và đang "làm mưa làm gió" tại thị trường Việt Nam, đe dọa đến sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước. Không chỉ nhanh chóng thu hút một lượng không nhỏ khách hàng, các nền tảng này cũng lấy đi nguồn quảng cáo ít ỏi còn lại, đẩy "nhà đài" trong nước cùng các lĩnh vực nội dung số, truyền thông, báo chí gặp không ít thách thức.

Và điều đáng quan tâm hơn cả là các doanh nghiệp xuyên biên giới hiện nay lại không phải tuân thủ các các quy định pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này như giấy phép, đóng thuế, phí và kiểm duyệt nội dung, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì chấp hành rất nghiêm chỉnh. Nếu tình trạng này kéo dài, các DN Việt Nam sẽ thua trên sân nhà về cả lượng khách thuê bao lẫn về doanh thu.

Khẳng định vị thế

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ bản thị trường truyền hình tại Việt Nam hoạt động ổn định. Tuy nhiên, với đầy rẫy doanh nghiệp hoạt động trong cả nước, nếu không đủ sức bật, các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nếu nói đúng hơn, thời gian tới, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu không vượt qua được khó khăn sẽ phải rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, thiếu nhận thức, sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà khai thác truyền hình khác nhau và chi phí cơ sở hạ tầng cao là một trong những yếu tố chính hạn chế sự tăng trưởng của thị trường truyền hình internet.

Chính từ những nghịch lý và sức ép từ sự cạnh tranh thị phần, đòi hỏi các doanh nghiệp truyền hình OTT trong nước buộc phải bứt phá để tồn tại và giành được thế bình đẳng.

Bên cạnh việc cần phải có một hành lang pháp lý đồng bộ, sự thay đổi từ chính nội lực của các doanh nghiệp trong nước là giải pháp hữu hiệu hơn cả.

Theo đó, các doanh nghiệp OTT trong nước cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ, theo hướng ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa trên môi trường mạng để giảm sức ép từ truyền hình xuyên biên giới.

Hy vọng rằng, phát huy những kết quả tích cực của năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đồng hành cùng các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền tiếp tục vượt qua khó khăn để giữ vững ổn định, từng bước phát triển và làm chủ hoàn toàn thị trường dịch vụ trong nước.

Huyền Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp