Từ một chàng trai săn bắn giỏi, nhưng sự kiêu ngạo, côn đồ đã biến hắn trở thành nỗi kinh sợ của người dân vùng này với hàng loạt vụ án mạng xảy ra.
Chân dung “sói rừng”
Cho đến tận bây giờ, người dân thôn Ná Nùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vẫn không thể quên nỗi ám ảnh mang tên Phàn A Gát. Hắn SN 1969, vốn không phải là người gốc của vùng này.
Từ ngày xưa, người già ở đây đã chứng kiến một người đàn ông xanh xao đói lả (ông nội Gát) cõng đứa bé tên Phàn A Đàm (bố Gát), lội suối vượt rừng mấy ngày liền như đang trốn tránh một việc gì đó đến trú ngụ tại đây. Hai cha con được bà con thương yêu đùm bọc và trở thành một phần của thôn Ná Nùng.
Họ chăm chỉ làm ăn, sống hòa nhập cộng đồng và hình như không bao giờ quay lại nơi sinh ra họ nữa. Người cha qua đời, Phàn A Đàm cũng khôn lớn lấy vợ, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái và xem Ná Nùng như quê hương thứ hai của mình. Cậu con trai mà ông nội cũng như A Đàm hết mực yêu thương chào đời tại thôn Ná Nùng đó là Phàn A Gát.
Khi đang tuổi mới lớn, Gát cũng nghe mọi người nói về nguồn gốc không rõ ràng của mình nên lân la hỏi thăm về nơi tổ tiên nhưng không có kết quả.
Học hành không được bao nhiêu, mới 10 tuổi Gát đã theo cha vào rừng săn bắn. Cuộc sống với những kỹ năng đặt bẫy, rình rập con mồi đã hình thành trong Gát một bản năng đặc biệt mà không mấy người có được.
Bữa cơm trong rừng của các chiến sĩ công an |
Cũng bởi vì được nhiều người tung hô, khâm phục nên đã tạo cho Gát bản tính kiêu căng hống hách, côn đồ. Hắn không bao giờ nghe lời bất cứ ai, hễ có mâu thuẫn với người khác là hắn sử dụng vũ lực để giải quyết.
Thậm chí có lần mâu thuẫn với vợ, bị anh vợ nhảy vào khuyên can, Gát đã vung con dao mẹo đi rừng chặt ngay giữa mặt anh vợ, may mà nạn nhân tránh kịp, nhát dao sắc lẹm ghim sâu vào cột nhà. Vết chém ấy đến bây giờ vẫn còn xem như một lời nhắc nhở hay nói đúng hơn là vết tích của một tên tội phạm hung ác đang tiềm ẩn trong con người này.
Ngày tháng trôi đi, từ một thanh niên giỏi dang được dân bản khâm phục, hắn trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của nhiều người. Vô số những lần đánh nhau, quậy phá, gây sự để khẳng định “số má” của Gát đã được đánh dấu bằng một sự kiện tang thương của người dân bản Ná Nùng.
Trong một lần con trâu nhà mẹ vợ Gát bị bắn chết vì phá lúa của người dân ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Gát dẫn thêm hai người bạn là Tẩn A Tón và Tẩn A Đon sang tính sổ đòi lại mạng con trâu.
Biết tiếng tăm của Gát, ông Hiển - người lỡ tay bắn chết con trâu - cũng đã đưa ra nhiều phương án giải quyết mềm mỏng nhưng cuối cùng trước sự chứng kiến của già làng bản Phìn Ngan là Phàn Hồ Hin, Hiển cũng phải trả cho Gát số tiền 350 ngàn đồng cùng với một bữa rượu.
Trong bữa ăn này, không biết có phải là sự sắp đặt mà giữa Gát và anh Tón xảy ra mâu thuẫn về việc chia chác số tiền vừa được đền bù. Hai bên định đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn.
Sau bữa ăn định mệnh chiều 2-11-2000, cả hai ra về nhưng lời qua tiếng lại giữa Gát và Tón thì vẫn chưa dứt. Trên đường đi, tới một túp lều canh rẫy, Gát bảo hai người vào nghỉ kiếm điếu thuốc lào hút cho đỡ lạnh.
Nhưng không ngờ khi vào đến đây, Gát cầm thẳng cây điếu cày đập liên tiếp vào đầu Tón vì cái tội dám lên mặt đòi chia chác với hắn, anh Đon lao vào ngăn cản đã bị Gát cầm đá đánh cho đến lúc thấy nạn nhân bất động trên vũng máu. Sau khi kiểm tra thấy Tón và Đon đã chết, Gát chạy về nhà xách súng săn trốn vào rừng già thôn Suối Thầu, xã Cốc Mỳ.
Tiếp tục giết người
Sau khi giết chết Tẩn A Tón và Tẩn A Đon, Gát xách súng săn lần theo lối cũ vào rừng để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng. Rừng già Suối Thầu (còn gọi là núi Hang Dê) cheo leo hiểm trở, cây cối phủ kín bạt ngàn, những người già nhất bản Ná Nùng suốt đời lăn lộn với nghề săn bắt cũng chưa thể đi hết các nơi hiểm trở của khu rừng này.
Kể từ khi có Gát lẩn trốn, sự hoang vắng tĩnh mịch của đại ngàn còn ẩn chứa mối hiểm nguy, người qua lại thưa dần và cũng từ đó những vụ việc bí ẩn bắt đầu xảy ra.
Trâu bò của một vài hộ dân bỗng dưng mất tích một cách khó hiểu, có bốn con bị bắn chết ngay tại bìa rừng, khoét lấy phần thịt mông phía sau. Không ai dám kết tội, cũng không ai dám hé răng nói nửa lời mà chỉ biết ngậm ngùi chảy nước mắt khi tài sản, sức kéo của họ bị mất trắng hoàn toàn.
Niềm vui của quân và dân sau khi đánh án thắng lợi |
Gát cũng vậy, lăn lộn trong rừng lâu ngày, nghiễm nhiên “khối tài sản đánh dấu” này nhiều hơn bất kỳ ai, những thân cây mang dấu của Gát thì không ai dám bén mảng đến.
Đã vậy, hắn lẩn trốn trong rừng nên càng đáng sợ hơn. Gát xuất hiện bất cứ nơi nào nghe tiếng cây đổ, bây giờ hắn còn nguy hiểm hơn cả con thú bởi thú rừng thấy đông người thì bỏ chạy còn Gát với khẩu súng trong tay hắn sẵn sàng “xử” những ai dám xâm phạm vào tài sản đã “đánh dấu” của gia đình hắn. Ngày 1-12-2001, anh Chò A Thắng (SN 1972, là bạn đi rừng một thời của Gát ở thôn Ná Nùng) cùng một nhóm người vào rừng xẻ gỗ.
Cây gỗ mà Thắng chọn trước đó đã được Gát đánh dấu nên từ xa, nghe tiếng người Gát đã mò đến theo dõi. Khi cây gỗ bị đốn hạ, những người thợ ở lại cưa xẻ gỗ, còn Thắng một mình về lán nấu cơm.
Gát phục sẵn trong lùm cây đợi Thắng đi qua. Mọi người nghe tiếng súng nổ chạy đến thì thấy Thắng đã chết, khẩu súng săn mang theo người cùng toàn bộ đạn và đồ dùng cá nhân đã bị lấy mất. Như vậy, sau một năm, ba mạng người đã bị Gát tước đoạt một cách tức tưởi, điều đáng nói những người này trước đó đều là bạn thân của y.
Ngày 19-11-2003, một lần nữa, súng nổ, máu lại chảy trong rừng Suối Thầu. Thời điểm này, nương rẫy của bà con bị lợn rừng phá hoại liên tục, trưởng bản đã họp dân và huy động lực lượng vào đuổi thú.
Chiều hôm đó mọi người già trẻ, trai gái đang ngồi nghỉ ở dưới một tán cây thì bỗng từ phía sau tiếng súng kíp chát chúa vang lên và viên đạn găm vào lưng của anh Đặng Văn Thành khiến mọi người tán loạn khiêng nạn nhân bỏ chạy.
Vụ này được giải thích rất có thể Gát thấy đông người, tưởng là tập hợp truy lùng mình nên bắn trước để dằn mặt. Anh Thành may không thiệt mạng nhưng viên đạn trên cho thấy tên Gát giờ đây nguy hiểm bội phần.
Không ra khỏi rừng ban ngày, đêm đêm Gát tìm về những người trước đây có mâu thuẫn với hắn để tìm cách trả thù. Trong một đêm cuối năm 2003, hắn bắn chết con chó của gia đình anh Hoàng Văn Xìn ở bản Phìn Ngan, người trước đây có mâu thuẫn với hắn.
Chưa hả dạ, khi thấy anh Xìn chạy đến, một tiếng nổ nữa vang lên, phát đạn ghim vào lưng nạn nhân. Anh Xìn được cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Không những thế, nương rẫy của bà con luôn bị trộm cắp thường xuyên khiến dân bản ai cũng hoang mang và bức xúc, nhiều rẫy quả của người có hiềm khích với Gát lâu nay chưa kịp thu hoạch đã bị hái trụi, phá nát, kèm theo đó là những ám hiệu hăm dọa. Chưa hết, nhiều người đi rừng ở vùng lân cận còn bị đối tượng lạ trấn lột hết lương thực, quần áo, súng đạn...
Cuối năm 2000, Công an tỉnh Lào Cai ra lệnh truy nã đặc biệt đối với tên tội phạm nguy hiểm, tuy nhiên đã bao lần họp án, nhiều cuộc giăng lưới truy bắt nhưng với bản chất sinh tồn của một con “sói rừng”, Phàn A Gát đều thoát khỏi sự bủa vây của lực lượng truy bắt.
Đúng 21 giờ ngày 29-11-2003, tổ công tác đặc biệt do thiếu tá Phạm Văn Chính - Phó trưởng phòng CSHS CA tỉnh Lào Cai - phối hợp với các trinh sát Công an huyện Bát Xát xuất phát tiếp cận một hang động nghi ngờ tên Gát đang lẩn trốn.
Khoảng 3 giờ sáng 30-11, đội trinh sát đã vào điểm mật phục đến 14 giờ chiều thì Gát mới xuất hiện. Phát hiện điều bất thường nên khi chạm trán với công an, Gát không ngần ngại nổ súng rồi trốn mất. Cuộc chạm súng đã làm đồng chí Vũ Tú Nam bị thương.
Trận đấu súng khốc liệt
Theo nguồn tin từ trinh sát, kể từ khi giết người rồi bỏ trốn, Gát không hề tiếp xúc với ai ngoài vợ và anh em ruột. Để tiếp cận được hắn không phải là dễ, tuy nhiên không thể để con “sói rừng” khát máu này gây thêm tội ác, Ban chuyên án do các đồng chí thiếu tướng Hoàng Minh Ngọc - Giám đốc công an tỉnh - làm trưởng ban cùng các thành viên là đồng chí Hà Xuân Bình - Trưởng công an huyện Bát Xát, đồng chí đại tá Hoàng Công Tế - PGĐ công an tỉnh, thượng tá Đào Xuân Hanh - Trưởng phòng CSHS - đã nhất trí chọn phương án “vào hang bắt cọp”.
Suốt đêm 9-11-2005, các trinh sát áp dụng nhiều biện pháp ngụy trang để tiếp cận khu rừng mà không để người nhà tên Gát phát hiện. Tuy nhiên, những trận mưa rừng xối xả, đường lên núi vô cùng hiểm trở đã làm chậm quá trình di chuyển của lực lượng truy đuổi.
Cuộc chuyển quân diễn ra bí mật và tuyệt đối an toàn, đến trưa 10-11 các mũi trinh sát đã lần lượt tiếp cận vào khu vực cửa hang - nơi tên Gát đang ẩn náu. Lúc này, Gát hình như đã đánh hơi được sự nguy hiểm cận kề.
Tuy vậy, với kinh nghiệm rừng núi, hắn vẫn tin vào tài bắn súng và sự thông thạo địa hình nhằm mở đường máu thoát thân. Sự im lặng một cách đáng sợ bao trùm lên cánh rừng già nhiều giờ đồng hồ, tất cả đều bất động quan sát mục tiêu.
Gát cũng vậy, y chọn cho mình nơi ẩn nấp là một hang đá nằm cheo leo trên vách núi. Lối tiếp cận vào hang chỉ đủ cho một người lách vào và vị trí hắn chọn để chống lại lực lượng công an cũng là một hốc đá, có thể nhìn bao quát toàn bộ khu vực.
Sau hiệu lệnh kêu gọi bỏ súng đầu hàng không kết quả, tiếng súng bắt đầu vang lên. Gát cũng lì lợm không kém, hắn bắn trả quyết liệt từ trong ra ngoài. Sau tiếng nổ lụp bụp của súng kíp thì vang lên loạt đạn súng AK nghe lanh lảnh xóa tan sự yên tĩnh ngột ngạt, muông thú trong rừng bị đánh thức chạy nháo nhác trong mùi khói thuốc nổ khét lẹt.
Thỉnh thoảng, vẫn có sự im lặng, im lặng nặng nề đến nghẹt thở. Sự lo lắng thể hiện ngay trên nét mặt của các đồng chí lãnh đạo ban chuyên án. Khoảng 12 giờ trưa 10-11-2005, hàng loạt mũi giáp công gồm công an, biên phòng, lực lượng dân quân đã tiếp cận cửa hang nhưng không thể vào trong vì lối đi duy nhất nằm trong tầm ngắm của Gát.
Các phương án bổ sung được triển khai, trinh sát tiếp cận cửa hang bằng đường dây leo quấn quanh những tán cây cổ thụ. Sau hơn một tiếng đồng hồ giằng co, cửa hang được công an phong tỏa. Có vẻ như lúc này Gát đã bị thương bởi tiếng súng của hắn mỗi lúc một thưa dần và có những viên đạn bắn ra lạc đường, xèn xẹt trên tán cây rừng.
Khi làm chủ được cửa hang, một nhóm chiến sĩ tiếp cận vào phía trong thế nhưng họ đã rơi vào tầm ngắm của Gát. Chỉ cách mục tiêu chưa đầy 10m, hắn xả súng làm năm đồng chí bị thương, trong đó có đồng chí Cường - Phó công an xã Cốc Mỳ - bị thương rất nặng, hai đồng chí khác bị thương nhẹ.
Hắn nằm gỏn lọn trong hốc đá, chỉ có họng súng đen ngòm thò ra ngoài nên các đội tiếp ứng bắn vào trong không hiệu quả. Lãnh đạo ban chuyên án đã lệnh cho các tổ bổ sung đưa những anh em bị thương ra ngoài.
Đến lúc này, toàn bộ khu vực bị phong tỏa, tất cả mọi khe hở đều được giăng lưới rất kỹ quyết không để tên tội phạm say máu này thoát một lần nữa. Cuộc chiến giằng co xảy ra suốt đêm hôm đó cho đến sáng 11-11, các mũi tấn công của lực lượng công an vẫn tiếp tục giám sát mục tiêu, vòng kim cô mỗi lúc một khép lại nhỏ dần, loa phóng thanh kêu gọi Gát buông súng dường như mất tác dụng.
Càng tiếp cận vào trong hang mới thấy được cách bố trí hung khí của tên tội phạm này cực kỳ công phu đề phòng trong trường hợp phải chống trả đến cùng. Hắn dường như đã bị thương bởi dấu những vết máu quệt dài, kéo lê trên mặt đá...
Thế rồi một tiếng nổ lớn từ trong hang đá vọng ra, lực lượng công an tiến vào thì phát hiện Gát đã chết. Tại hiện trường cho thấy hắn bị thương nặng nhưng quyết không chịu đầu hàng nên đã tự sát.
Chuyên án kết thúc, Phàn A Gát phải đền tội theo cái cách mà hắn đã gây ra cho các nạn nhân. Bốn người chết, hàng chục người bị thương rồi còn bao nhiêu vụ việc khác cũng đã được giải mã.
Thôn Ná Nùng sau gần năm năm xơ xác đã phủ tràn sức sống trở lại, ngọn núi Suối Thầu với hang dê sâu chót vót đã trở nên yên bình, các thửa nương đã bắt đầu nhuộm một màu xanh mới đầy sức sống. Xã Cốc Mỳ sẽ quên đi một quãng thời gian vô cùng ngột ngạt, nỗi đau Phàn A Gát sẽ trở thành quá khứ của bà con vùng rẻo cao này.
Theo CA TP. HCM
Bình luận