• Zalo

Cuộc đào thoát khỏi họng súng bọn diệt chủng giữa biển khơi

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 22/10/2015 06:31:00 +07:00Google News

Ông Ảnh đau đớn và căm phẫn khi biết tin ngoài gia đình ông Tư Sĩ, những người còn lại trên đảo Thổ Chu đã bị quân Pol Pot giết sạch.

(VTC News) - Ông Ảnh đau đớn và căm phẫn khi biết tin ngoài gia đình ông Tư Sĩ, những người còn lại trên đảo Thổ Chu đã bị quân Pol Pot giết sạch.

Kỳ 2: Ký ức những ngày trong tay quân Pol Pot

Ông Tư Sĩ kể lại, lúc quân diệt chủng Pol Pot đặt chân lên đảo, bản thân ông cùng với hơn 500 người trên đảo Thổ Chu bao lâu nay có cuộc sống bình yên, xa rời thế sự, nên cũng không hiểu rõ đám lính mới đổ bộ này là tốt hay xấu. Ông chỉ nghe Danh Thương dịch lại theo lời gã chỉ huy, cho biết chúng ra đảo để tổ chức cho bà con sống, làm việc tập thể và yên ổn làm ăn. Chúng còn nói chúng là “đàn em” của Quân giải phóng Việt Nam đến để giữ đảo vì sợ quân Mỹ sẽ quay trở lại.
Tuy nhiên, mới đặt chân lên đảo, những tên lính Pol Pot đã chia nhau đi sục sạo khắp nơi. Nhìn chúng lăm lăm súng ống, không một ai dám phản ứng. Gã chỉ huy trấn an mọi người rằng chúng chỉ đi tìm kiếm lính cộng hòa, và sẽ không làm gì người dân cả.
Nhưng trên đảo lúc ấy chẳng có cái gì đáng giá, ngoài vật dụng đánh cá và những chiếc ghe của ngư dân. Những đồ đạc có giá trị đã bị đám lính chế độ cũ tẩu tán lúc lên tàu chạy trốn sang Mỹ, chỉ còn mỗi cái sở chỉ huy trống không. Tìm kiếm cả ngày không thu được kết quả gì, chúng rút hết lên 3 con tàu lớn đang neo đậu ngoài bãi Ngự.
Ngày hôm sau, quân Khmer Đỏ lại mang gạo muối vào phát cho dân, và lùa hết đàn ông ra bờ biển xây công sự dài hàng trăm mét, lấy lý do là đề phòng quân Mỹ Ngụy quay lại chiểm đảo.

Công sự xây xong, thì chúng bắt 30 hộ gia đình ở mé tây nam đảo Thổ Chu lên tàu chiến, bảo là đưa về Campuchia để giúp cho họ có một cuộc sống tốt hơn và sau này sẽ trao trả thông qua Đại sứ quán Việt Nam.

Lúc đó một số gia đình chấp hành, số khác giằng co không đi. Nhưng đến chập tối thì chúng dí súng lùa hết số dân còn lại ở mé tây nam ra phía bãi Ngự. Người nào đã bước ra khỏi nhà chúng không cho trở lại. Lúc đó, ông Tư Sĩ và những người còn lại trên đảo đã biết số phận của mình như cá nằm trên thớt.

Ông Tư Sĩ: Lúc đầu cứ tưởng chúng tử tế với dân trên đảo, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra tất cả chỉ là giả dối
Ông Tư Sĩ: "Lúc đầu cứ tưởng chúng tử tế với dân trên đảo, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra tất cả chỉ là giả dối" 

“Khi quân Khmer Đỏ chiếm đảo là tôi đã thấy không an tâm rồi. Thổ Chu là của người Việt Nam, quân Sài Gòn có rút thì trước sau gì bộ đội ta cũng ra tiếp quản, việc quân Khmer Đỏ nói rằng giải phóng giúp bộ đội Việt Nam trên hòn đảo đang có hàng trăm hộ dân là chuyện khó tin. Lại thấy chúng bắt dân đi xây hầm hào công sự càng khiến tui nung nấu ý đồ trốn thoát càng sớm càng tốt để về báo cho đất liền biết”, ông Tư Sĩ kể lại.
Mấy lần xin được chạy về đảo Hòn Mấu để đón 2 con về với gia đình đều không được quân Pol Pot đồng ý. Chúng lấy lý do là nếu ông Tư Sĩ không quay trở lại, lỡ sau này Đại sứ quán Việt Nam đòi thì biết lấy dân ở đâu để trả lại cho phía Việt Nam. Chúng còn trấn an: “Dân là cha mẹ nên cứ ở đây, không giết dân đâu mà lo”. Hết cách, ông Sĩ đành bàn tính với người anh em họ hàng của mình là ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh), nhằm tìm cách chạy trốn.

Bãi Ngự, nơi quân PolPot bắt toàn bộ dân Thổ Chu lên tàu và thủ tiêu
Bãi Ngự, nơi quân Pol Pot bắt toàn bộ dân Thổ Chu lên tàu và thủ tiêu. Ảnh internet

Bất chợt như nhớ ra điều gì, ông Sĩ vào trong nhà lấy ra một đầu máy may hiệu Mitsubishi đã hoen gỉ. Ông bảo: “Hồi ấy, nhà tôi có cái máy may này, nên bọn chúng hay đến nhờ vợ tôi vá quần áo. Lại thấy nhà tôi vốn thật thà nên chúng cũng đối xử tương đối tốt. Tôi được cấp 10 cân gạo, rồi mỗi ngày chúng cho 30 lít dầu để chạy ghe chuyển hàng hóa giữa mấy đảo nổi gần đó, dưới sự giám sát của mấy tàu chiến của quân Khmer Đỏ. Xin thêm dầu nó cũng cho. Nhờ tích cóp, sau này người họ hàng với tôi (ông Ba Ảnh) mới đủ nhiên liệu để chạy trốn”.
Rồi ông Tư Sĩ dẫn tôi qua nhà ông Ba Ảnh, cũng ở trên đảo Hòn Mấu. Năm nay hơn 80 tuổi, đôi chân yếu phải ngồi xe lăn, nhưng ông Ảnh có trí nhớ rất tốt. Ông bảo mình đã quá may mắn khi trốn thoát khỏi họng súng Khmer Đỏ.

Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ    Ảnh tư liệu
Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ. Ảnh tư liệu 

Để chuẩn bị cho kế hoạch chạy trốn về đất liền báo tin, ông Ảnh làm quen với tên chỉ huy Khmer Đỏ và xin đi nhặt trứng nhạn (loại chim to như chim bồ câu và sống nhiều trên quần đảo Thổ Chu) ở mấy hòn đảo lân cận. Tên chỉ huy đồng ý cho ông Ảnh đi lấy trứng chim.

Tối cùng ngày, cảm thấy thời cơ đã đến, ông Ảnh định chạy thì bị phát hiện. Sau loạt súng cảnh cáo, sợ điếng hồn, nhưng Ba Ảnh vẫn bình tĩnh cho ghe chạy thẳng về phía tàu chiến Pol Pot, rồi xúc một rổ trứng cùng mấy món hải sản quý hiếm lên tàu bảo bồi dưỡng cho đám lính ở đó.

Nói chuyện mãi đến tối, ông Ảnh năn nỉ xin được chạy về bãi Ngự nghỉ ngơi để ngày hôm sau tiếp tục đi nhặt trứng nhạn. Tên chỉ huy thấy ông Ảnh thật thà và biết điều nên gật đầu.
“Khi thấy chỉ huy đồng ý, tôi mừng như được bay lên mây. Tranh thủ lúc trời nhập nhoạng tối, tôi cho máy chạy ga nhỏ rồi dùng vải vụn trùm lên ống xẹt-măng để hãm thanh rồi ngắm hướng hòn Mấu (đông bắc hòn Thổ Chu) mà đi. Phải 3 ngày sau tôi mới chạy về tới đảo”, ông Ảnh cho biết.

Ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh)
Ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh) 

Về đến Hòn Mấu, ông Ba Ảnh ngay tức khắc báo cho mọi người biết rằng hàng trăm người dân trên đảo Thổ Chu đang bị quân Khmer Đỏ quản thúc. Chúng đã đưa một số dân đi đâu không rõ, và khả năng sẽ tiếp tục đưa toàn bộ dân trên đó đi mất. 
Lời cảnh báo của ông Ảnh được ghi nhận, nhưng 40 năm trước, phương tiện thông tin liên lạc chỉ là nhắn gửi qua những chuyến thuyền chạy về đất liền. Trên đảo Thổ Chu, chỉ 2 ngày sau, quân Khmer Đỏ đã nhanh chóng phát hiện ra sự mất tích của Lê Văn Ảnh.

Chúng quản lý chặt chẽ những người dân còn lại trên đảo, rồi tung tin đồn tàn quân Mỹ Ngụy sắp quay trở lại đánh chiếm Thổ Chu, sẽ tàn sát hết không còn một ai. Ông Tư sĩ kể lại, sau ngày Ba Ảnh trốn đi, thỉnh thoảng ông lại thấy có máy bay lượn vè vè gần bờ biển, rồi lại có tiếng súng nổ, lúc đó ông sợ hãi cứ tưởng là sự thật.
Một ngày, Danh Thương qua nói nhỏ với Tư Sĩ: “ Ngày mai chúng sẽ đưa toàn bộ mọi người về bên Campuchia đó, ông cứ chuẩn bị trước đi. Đi còn có cơ may sống sót, chứ tôi nghe chúng bảo sẽ giết những ai chống đối. Với lại ông đừng tiết lộ là tôi nói không thì Khmer Đỏ chặt đầu tôi đó”.
Còn tiếp…


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn