Bộ Công Thương chú trọng xuất nhập khẩu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Khi Mỹ tăng thuế vào hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn, giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, từ đó nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải tìm thị trường thay thế, trong đó có thị trường Việt Nam.
Trong Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Công Thương vừa diễn ra, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cũng trở thành vấn đề nóng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có cùng quan điểm với TS Hiếu khi nhận định, việc Mỹ áp hàng chục sắc thuế với hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ chảy vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Đứng trước tình hình đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Hơn hết, các bộ, ngành liên quan phải cùng vào cuộc để có những giải pháp phù hợp”.
Ông cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá chung và đã có những đề xuất ban đầu trong Báo cáo gửi Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bộ trưởng Công Thương nhận xét, cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu.
“Chúng ta cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu”, ông Tuấn Anh đưa ra một biện pháp đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ Trung.
Không chỉ có vậy, Bộ trưởng tin rằng, chúng ta cần chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng.
Tỷ giá cũng là vấn đề Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quan tâm. Tư lệnh ngành Công Thương cảnh báo nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD tác động tới thương mại Việt Nam và đề nghị các đơn vị trong Bộ cùng có biện pháp để ứng phó. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định: “Vấn đề này đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước không chỉ ở Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan thuế, hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng…".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiết lộ, trong chuyến làm việc cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện thương mại Mỹ và đề xuất trực tiếp những vấn đề liên quan nhằm giải quyết phần nào nguy cơ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.
Theo ông Thắng Hải, cuộc làm việc đạt được kết quả tốt, phía Mỹ đánh giá cao các hoạt động của Việt Nam đối với các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Phụ thuộc doanh nghiệp và người tiêu dùng
Bình luận về cách đối phó của Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Đây là vấn đề rất khó”. Khi 2 phía dùng thuế để ngăn cản hàng hóa của nhau, cả Mỹ và Trung Quốc phải tìm thị trường mới để bù đắp. Việt Nam có thể sẽ là điểm đến của cả hàng hóa Trung Quốc và Mỹ.
Ông Hiếu đánh giá, Việt Nam gặp áp lực từ hàng Trung Quốc nhiều hơn vì hàng Trung Quốc từ trước đến nay đều có giá rẻ. Hơn nữa, tại thời điểm này, đồng Nhân dân tệ giảm giá so với USD, còn tiền đồng đã ổn định trở lại trước USD. Điều đó có nghĩa Nhân dân tệ giảm giá so với tiền đồng, giúp hàng hóa Trung Quốc càng rẻ hơn nữa. Hàng giá rẻ tràn ngập thị trường sẽ giết chết doanh nghiệp Việt.
“Vì vậy, kiểm soát hàng Trung Quốc là điều cần làm hơn cả. Nhưng kiểm soát như thế nào? Đây là khâu rất khó. Chúng ta không thể bỗng dưng cấm nhập khẩu những loại hàng hóa vẫn giao dịch từ trước tới giờ. Hàng hóa là do cung cầu trên thị trường xác định, không thể dùng biện pháp hành chính được”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cho biết, có một cách hạn chế nhập khẩu đó là đặt ra rào kỹ thuật, ví dụ tăng yêu cầu về y tế với nông sản, loại trừ loại thuốc nào đó có trong sản phẩm nông sản đó. Thế nhưng, theo ông Hiếu, dựng rào cản kỹ thuật chỉ ở chừng mực.
Kiểm soát nhập khẩu theo đường chính ngạch đã khó, kiểm soát hàng nhập lậu càng khó khăn hơn. Theo ông Hiếu, lượng hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc là rất lớn, vốn đã khó kiểm soát, nay càng khó hơn.
Cùng với hàng rào kỹ thuật, Việt Nam có thể áp thuế. Nhưng các biện pháp này chỉ dùng có chừng mực vì phía bên kia hoàn toàn có thể đáp trả biện pháp tương tự. Vì vậy, TS Hiếu tin rằng, sẽ rất khó nếu sử dụng các biện pháp hành chính. Vấn đề là nằm ở doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong cuộc chiến này, theo ông Hiếu, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần: Người Việt dùng hàng Việt. Và để người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt, các doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, các cơ quan chức năng nên đánh giá khi cuộc chiến nổ ra, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ thiếu hụt những mặt hàng nào, từ đó đánh giá xem các mặt hàng đó có thâm nhập được vào 2 thị trường này không.
Ngoài ra, TS Lê Đăng Doanh góp ý thêm các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hải quan, chống buôn lậu, kiểm soát chặt chẽ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là điều rất quan trọng.
Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra thế nào?
Bình luận