Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại của số hóa, thông minh hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet kết nối vạn vật (IoT), qua đó đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%). Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng CNTT được tập trung đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với hơn 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là một nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.
Ông Phát khẳng định vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là cuộc chạy đường dài marathon. Bởi lẽ, Việt Nam có bắt kịp con tàu 4.0 hay không, thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng số. Nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.
Với 5G, các nhà khai thác viễn thông sẽ có thể cung cấp các dịch vụ mạng chuyên biệt cho một loạt các đối tác công nghiệp mới: từ lĩnh vực ô tô, đường sắt, sức khỏe hay năng lượng. Để đảm bảo rằng những chiếc xe được kết nối 5G sẽ có thể phản ứng trong ít hơn 1 mili giây và tránh va chạm hay tai nạn xảy ra, hay đảm bảo các dịch vụ y tế thông minh “telemedicine” chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin có thể cứu sống người bệnh nguy kịch…
Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21.
Theo ước tính của các chuyên gia, công nghệ 5G có sức tác động khoảng 4,6% ở mọi lĩnh vực của đời sống và giúp tạo ra nền kinh tế số, mở rộng môi trường hoạt động của các ngành công nghiệp dựa trên hạ tầng mạng băng rộng. Đến năm 2035, 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỷ USD. Đơn cử như Trung Quốc đã có lộ trình kêu gọi chi tới 400 tỷ USD tới năm 2020 để phát trển hạ tầng cho 5G bên cạnh việc nghiên cứu phát triển và chính phủ nước này đưa ra các lộ trình nhanh chóng phân bổ tần số vô tuyến cho các nhà mạng.
Công nghệ 5G phức tạp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đòi hỏi những nút thắt bền chặt không chỉ theo chiều ngang trong nội bộ ngành hạ tầng viễn thông, mà còn theo chiều dọc với các lĩnh vực khác từ thực tế ảo, thành phố thông tin hay xe tự động không người lái. Và định hướng chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ là một phần quan trọng tạo ra những nút thắt bền chặt ấy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ là nền tảng căn bản và vững chắc để đảm bảo chúng ta hiện thực hoá những cơ hội trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Các vấn đề trên đều là những lát cắt quan trọng của nền kinh tế mà tập trung tháo gỡ chúng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông, mà còn tạo ra tác động lan toả tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Bình luận