Tầm cuối tháng Chạp, các gia đình đều tất bật chuẩn bị cúng tất niên, lo lắng bày biện mâm cỗ dâng lên tổ tiên, mong muốn xua đi những điều xui xẻo ở năm cũ, chào đón những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Tuy nhiên không phải ai cũng biết mâm cúng tất niên cần chuẩn bị gì, cúng ngày nào, giờ nào hợp lý nhất.
Nên cúng tất niên vào giờ nào?
Tùy theo từng gia đình mà có thời điểm cúng tất niên khác nhau. Phần lớn mọi người đều chuẩn bị lễ cúng tất niên vào ngày cuối năm. Trong năm 2021 này, lễ cúng tất niên có thể diễn ra vào ngày 30 tháng Chạp năm Tân Sửu, tức là ngày 11/2. Những gia đình có việc bận vào ngày đó (phải trực Tết, hay trên đường về quê...) có thể cúng sớm trong những ngày trước đó.
Về giờ cúng cũng không cần quá câu nệ. Thường các gia đình sẽ cúng vào chiều 30 Tết, sau đó hạ lễ để cả nhà cùng ăn bữa tối cuối cùng trong năm. Cũng có gia đình cúng trưa hoặc tối muộn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng.
Nhiều người cho rằng, ngày 30 Tết Tân Sửu có hai khung giờ đẹp để làm lễ cúng tất niên, đó là giờ Tỵ (tức 9-11h) và giờ Tuất (17-19h).
Mâm cúng tất niên cần có gì?
Thành phần món ăn trên mâm cúng tất niên phụ thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng, và thói quen, truyền thống của mỗi gia đình. Nhìn chung, có vài món không thể thiếu là gà, xôi và bánh chưng (hoặc bánh tét).
Người miền Bắc, nhất là người Hà Nội, thường chuẩn bị mâm cơm cúng rất chu toàn và tỉ mỉ với nhiều món ăn truyền thống như gà luộc, canh măng, miến xào, nem, xôi, bánh chưng, dưa muối.
Người miền Trung không quá cầu kỳ, tỉ mẩn như người Bắc, các món ăn trên mâm cúng tất niên khá đơn giản, thường có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét kèm với đĩa hành muối.
Còn ở miền Nam, do thời tiết ngày Tết nóng hơn so với miền Trung và miền Bắc nên thực đơn cúng tất niên thường có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng, bánh tét ăn kèm với củ kiệu.
Ý nghĩa lễ cúng tất niên
30 Tết là lúc mọi người tạm gác lại những ngược xuôi tất bật, cùng trở về nhà quây quần với nhau nhìn lại một năm đã qua, tận hưởng không khí ấm cúng cùng gia đình.
Những mâm cỗ được chuẩn bị tỉ mỉ dâng lên bàn thờ gia tiên là cách để bày tỏ sự biết ơn, lòng thành kính của con cháu đối với những người đã khuất, với ông bà tổ tiên. Đây cũng là cách gia chủ thể hiện tấm lòng thành với thần linh, cầu mong gia đình được phù hộ độ trì trong năm mới.
Trong văn hóa người Việt Nam, cỗ tất niên chính là bữa cơm sum họp, đoàn tụ gia đình, người ở phương xa cũng luôn muốn được trở về dự bữa cơm này. Đây cũng là dịp linh hồn ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Vì thế, ý nghĩa của lễ cúng tất niên không đơn giản chỉ nằm ở mâm cao cỗ đầy mà còn nằm ở tấm lòng con người thành tâm với gia tiên và yêu thương, gần gũi với gia đình.
Bình luận