Cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) vừa được giao dịch trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 12/7, cổ phiếu SCS đã tăng tối đa 40% lên 72.800 đồng một cổ phiếu, đồng thời đưa vốn hóa của doanh nghiệp này lên gần 3.400 tỷ.
Cung cấp dịch vụ tại các sân bay, vốn chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp có thể tiếp cận, được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng" trong bối cảnh ngành hàng không đang phát triển nhanh, với khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp hiện tại.
Hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đỗ xe, năm 2016 SCSC đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 1,4 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ, với biên lợi nhuận 55%.
Hàng không đang trở thành một lĩnh vực phát triển nhanh vượt qua nhiều loại hình khác trong thời gian gần đây, không chỉ trong vận chuyển hành khách mà còn cả lĩnh vực hàng hóa.
Là lĩnh vực kinh doanh "béo bở", nhưng thị trường cung cấp dịch vụ tại hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ có sự hiện diện một số công ty như Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn, Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội...
Trong số này, riêng Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn là công ty duy nhất được Cục Hàng không công nhận là nhà ga hàng hóa (Air Cargo Terminal).
Được triển khai từ tháng 6/2009 và hoàn thành vào cuối năm 2010, dự án Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất là dự án trọng điểm của SCSC có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được bố trí phía Tây Nam ga hành khách với diện tích 143.000 m2, trong đó chia làm 3 khu vực: sân đậu máy bay (hơn 52.400 m2), nhà ga hàng hóa (26.670 m2) và khu vực nhà kho, nhà đậu xe, công trình phụ trợ (64.000 m2).
Với công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn, khai thác nhà ga hàng hóa là lĩnh vực kinh doanh đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho SCSC trong những năm gần đây. Năm 2016, hoạt động này đem về hơn 455 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu, với biên lợi nhuận đạt gần 73%.
Lợi thế của SCSC là giá vốn rất thấp chỉ chiếm hơn 27%, khả năng mở rộng hoạt động và sự hỗ trợ của các cổ đông lớn, đều là những doanh nghiệp nắm thị phần cao trong lĩnh vực logistics.
Video: Cận cảnh các công trình trong sân golf sân bay Tân Sơn Nhất
Trong bản cáo bạch mới công bố, doanh nghiệp này cũng cho biết đã có 23 hãng hàng không là khách hàng trong tổng số 45 hãng hàng không có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có những hãng lớn như Lufthansa, Cargolux, Singapore Airlines, Cathay Pacific...
Hiện tại cơ cấu cổ đông của SCSC gồm 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 55% vốn điều lệ và hơn 1.200 cổ đông khác. Trong đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty cổ phần Gemadept là 2 cổ đông lớn nhất sở hữu lần lượt 14,05% và 34,55% vốn của SCSC.
Bình luận