Đề xuất hạ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25miligam/lít khí thở (mức tối thiểu) đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến giữ nguyên mức phạt
Thông tin về đề xuất này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) cho biết, trước khi xây dựng dự thảo, cơ quan chức năng đã xin và tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp của các cơ quan chức năng, người dân.
Trong đó, một số ý kiến cho rằng cần phải giảm mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (dưới 0,25 miligam/l khí thở). Việc này vừa thực thi nghiêm quy định đã uống rượu bia không lái xe, nhưng cũng tạo sự phù hợp đối với mức độ vi phạm và điều kiện kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến yêu cầu cần giữ nguyên mức phạt nồng độ cồn như hiện nay để duy trì, tạo thói quen và nền nếp "đã uống rượu bia, không lái xe".
"Trước đây chúng ta cũng quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với xe máy từ năm 2007, nhưng phải mất rất nhiều năm mới đi vào thói quen của người dân", Đại tá Nhật nói.
Đồng thời, ông lấy dẫn chứng 6 tháng đầu năm, vẫn có hơn nửa triệu tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý, hơn 90% trong số này rơi vào tài xế xe máy. Điều này thể hiện việc chấp hành quy định ở một bộ phận người dân chưa thực sự đi vào nền nếp, thói quen.
Trước những ý kiến băn khoăn, vị đại diện Cục CSGT cho biết quy định giảm mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu chỉ đang ở mức dự thảo, chưa chính thức được áp dụng. Vì thế, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và tham khảo các quy định quốc tế để đưa ra quy định phù hợp.
Giảm tiền phạt là hợp lý
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhận định đề xuất hạ mức xử phạt không mâu thuẫn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trước đó. Theo bà Nga, việc giảm mức phạt tiền khi vi phạm cồn mức tối thiểu là hợp lý, bởi mục đích cuối cùng của việc xử phạt là hướng đến sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân, cũng như đảm bảo tài sản, tính mạng của họ.
Nhìn lại khoảng thời gian áp dụng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đại biểu Nga nhận thấy đa số người dân đã hình thành thói quen tham gia giao thông là không sử dụng đồ uống có cồn. Bà Nga đánh giá đây là "sự chuyển biến tích cực”, hành vi lối sống và nhận thức người dân đã thay đổi, cụ thể nhất là không còn tình trạng ép nhau uống rượu bằng được.
“Chỉ cần đưa ra lý do sẽ điều khiển phương tiện tham gia giao thông là mọi người sẽ rất thông cảm và không có chuyện ép uống nữa”, bà Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng đề xuất mới của Bộ Công an phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Ông Hòa phân tích, với mức phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu như hiện nay, đặc biệt là với xe máy, số tiền 2-3 triệu đồng là cao so với thu nhập của nhiều người dân. Nhiều người vi phạm chấp nhận bỏ phương tiện do giá trị thực tế của chiếc xe thấp hơn mức tiền họ phải đóng phạt.
“Chỉ nhìn ra những bãi tạm giữ xe của công an xã, công an phường, chứ chưa đề cập đến công an cấp quận đã thấy đầy xe và hầu như là đều bị bỏ lại”, ông Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa còn cho rằng đề xuất hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu mang tính nhân văn, với những trường hợp ở vùng nông thôn, vùng núi. Vị đại biểu nêu ví dụ, ở vùng quê, nơi có nhiều người dân tộc ít hiểu biết, kết hợp với phong tục tập quán, đám tiệc thường có rượu, họ có thể dễ vi phạm nồng độ cồn nhưng ở mức “chút đỉnh”.
Trong khi đó, ở vùng cao, nông thôn lại không có các phương tiện công cộng, xe dịch vụ, buộc người dân phải đi xe máy. Do đó, ông Hòa cho rằng mức phạt hiện nay là hơi cao so với những trường hợp này.
Tuy vậy, Đại biểu Phạm Văn Hòa đưa ra kiến nghị, người vi phạm nồng độ cồn dù ở mức thấp nhất, nếu gây tai nạn giao thông, cần bị xử lý nghiêm.
Trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể, đối với người lái ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Bộ Công an đề xuất phạt 400 - 600 nghìn đồng, thay vì phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành.
Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Theo quy định hiện hành, mức xử phạt với hành vi này là 3 - 5 triệu đồng.
Bình luận