• Zalo

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chuyên gia nêu 3 việc quan trọng cần làm ngay

Chính trịThứ Ba, 27/06/2023 16:58:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TS Trần Đình Thiên cho rằng có 3 việc quan trọng cần làm ngay.

Sáng 27/6, báo Người Lao Động tổ chức hội thảo Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 24/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Ba việc cần làm ngay

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, TP.HCM có Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là thành công của một quá trình nỗ lực lâu dài của TP.HCM và cả nước. 

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chuyên gia nêu 3 việc quan trọng cần làm ngay - 1

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Bởi đây là đột phá cho một hình mẫu phát triển mới, mở ra hình mẫu của cả nước về đổi mới. Khi có hình mẫu tốt, các địa phương khác có thể làm theo. Đồng thời, Nghị quyết này cho TP.HCM được phép thí điểm những gì chưa có.

"Đây là thành công rất lớn. Quan trọng hơn nữa đây là thành công của tinh thần cải cách của cả nước. Điều này là cơ sở pháp lý, thể chế đảm bảo cho quá trình thực thi tới đây của TP.HCM tránh được rủi ro. Nhất là trong bối cảnh mọi thứ đang chậm lại, một bộ phận cán bộ, công chức e dè, không dám làm", TS Trần Đình Thiên nói.

Trong bối cảnh hiện nay, để hiện thực hóa Nghị quyết, TS Trần Đình Thiên cho rằng có 3 việc quan trọng cần làm ngay.

Đầu tiên là công tác con người. Một trong những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết chính là cách tiếp cận tổ chức bộ máy cho thấy phù hợp với vai trò, tầm vóc của TP.HCM. Đó là cho phép TP.HCM có cơ quan chức năng phù hợp với mình, cho phép chủ động biên chế cấp cơ sở.

Do đó, TP.HCM cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng… Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa Nghị quyết này.

Thứ hai là phải thống nhất quan điểm, nhận thức là thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của TP.HCM, là việc riêng của TP.HCM mà phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. 

"Cơ chế, chính sách tại Nghị quyết này vượt qua thể chế thông thường, nếu không được hỗ trợ từ Trung ương và cơ chế đảm bảo thì khó thành công. Tất nhiên, bản thân TP.HCM phải làm hết lòng, hết sức nhưng Trung ương phải có trách nhiệm để Nghị quyết thành công", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thứ ba là phối hợp hành động. TS Trần Đình Thiên cho rằng, cơ chế, chính sách này cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bốn địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ liên kết được thể chế sẽ tạo sự liên thông, cộng hưởng sức mạnh.

Gỡ nút thắt 

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thẳng thắn nêu ý kiến tại hội thảo: "Nhìn một cách khách quan, nghị quyết đang gỡ những thứ lâu nay mà TP gặp phải hàng ngày... Cùng với nghị quyết, điều quan trọng không chỉ triển khai thành công mà phải xem cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, kinh tế phát triển ra sao".

Do đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, trong quá trình triển khai TP.HCM phải luôn đặt ở tâm thế vị trí sẵn sàng. Ông chỉ ra "một số cái làm được ngay" là gỡ những nút thắt giao thông; phát triển đô thị theo hướng mở của giao thông; cải thiện đời sống của cán bộ công chức Nhà nước. 

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chuyên gia nêu 3 việc quan trọng cần làm ngay - 2

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TP.HCM nên ưu tiên tập trung vào một số dự án thật sự làm được, có tác động lan tỏa bởi trong bối cảnh nguồn lực của Thành phố không nhiều, đặc biệt là nguồn lực con người. 

Để triển khai nghị quyết mới, cần thiết kế bộ máy thực thi phải rất chuyên trách, độc lập, thường xuyên, liên tục. Cần tổ chuyên trách và độc lập, thiện chiến và có sự tham gia của cả giới doanh nhân và giới nghiên cứu.

"Tổ này cần lên kế hoạch và có một việc luôn phải làm là đánh giá tình hình kết quả triển khai thực hiện", ông Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, TP.HCM nên kiến nghị Trung ương có một tổ theo dõi thực hiện cơ chế trong nghị quyết mới, để cùng kiến nghị và gỡ khó ngay trong quá trình thực hiện. Hiện tại đang có sự thiết kế hội đồng vùng cho Đông Nam Bộ và có thể kiến nghị một số điều để hội đồng tiếp nhận báo cáo, chỉ đạo những điều vướng để xử lý hoặc xin ý kiến kiến nghị, tránh chờ đợi mất thời gian trong quá trình triển khai.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, thông tin, ngay từ đầu, khi xây dựng nghị quyết, về hệ thống quan điểm, tổ tư vấn đã có báo cáo Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM là làm sao phát triển TP, và trong tương lai để Quốc hội xây dựng Luật Đô thị, hình thành 2 nhóm cơ chế chính sách, không còn cảnh xin - cho.

"Quá trình đô thị hóa là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách, nếu có các nguồn lực, TP.HCM dư sức để có thể phát triển mạnh hơn nữa. Nếu sử dụng tốt những công cụ đang có cùng cơ chế hỗ trợ của nhà nước sẽ góp phần tăng sức bật cho kinh tế TP.HCM.

Chưa bao giờ TP có được điều kiện tốt, tạo sức bật như hiện nay. Tôi nghĩ rằng, TP.HCM tích cực làm không chỉ đóng góp cho thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước", TS Trần Du Lịch đánh giá.

Hiện nay, quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong Nghị quyết khá tốt. Tuy nhiên, để nâng chất lượng nền công vụ về hành chính thì phải thiết kế được thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức tốt.

"Sự đồng bộ này cần triển khai để nâng năng lực lên, bởi chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa đủ, cần tính toán lại", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chuyên gia nêu 3 việc quan trọng cần làm ngay - 3

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ông lấy TP Thủ Đức làm ví dụ. TP Thủ Đức hiện cần bộ máy tương ứng với quy mô, đây là vấn đề khó vì đầu tư nguồn lực vào cán bộ công chức rất khó. Cần triển khai làm rõ, để quá trình vận hành trôi chảy, thể chế, bộ máy con người vận hành trôi chảy.

Với nguồn lực hiện nay, nếu trách nhiệm rõ, đội ngũ cán bộ công chức sẽ làm. Nếu lờ mờ sẽ không ai dám làm. Do đó, nghị quyết mới này, cộng với tất cả sự chuẩn bị đầu tư, về hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, thì 2 điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới sự phát triển. 

Đào Thắm
Bình luận
vtcnews.vn