Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 1/4, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thống nhất điều chỉnh việc bố trí công năng các bộ phận khám chữa bệnh, làm việc theo tổ đội trong các bệnh viện, hỗ trợ các bệnh viện tư nhân, chuẩn bị điều kiện điều trị trong tình hình mới, tổ chức cách ly và đưa người hoàn thành cách ly về địa phương. Đồng thời, phải bảo đảm vệ sinh dịch tễ tại các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Không tăng số ca nhiễm theo quy luật thế giới
Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có 16 ca bệnh. Sang giai đoạn 2, từ ngày 6/3 (thời điểm xuất hiện bệnh nhân thứ 17) đến nay, tổng số ca nhiễm chỉ mới tăng lên 212 người, đứng thứ 88 thế giới, chưa có người thiệt mạng (chỉ 5 nước trên 200 ca nhiễm chưa có bệnh nhân thiệt mạng).
Do đó, trong thời gian tới, cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo để phòng, chống dịch hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Việt Nam triển khai nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến từng thời kỳ.
Cụ thể, Việt Nam áp dụng ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập theo từng bước, từng nước, sau đó là từng khu vực rồi hạn chế người nước ngoài nhập cảnh. Đây là những hành động rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh, chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội vừa được Thủ tướng ban hành rất quan trọng và kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong 2 tuần tới. Bản chất của cách ly xã hội chính là giãn cách xã hội. Theo đó, người dân cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2 m).
“Đây là chỉ thị đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh hiện nay và 2 tuần tới là thời gian rất quan trọng để chúng ta ngăn chặn dịch bệnh Covid-19”, ông Long cho hay.
Bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó
Về điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó. Bộ cũng tính toán phương án giảm tải cho đô thị lớn; chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ của thế giới.
Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, theo ông Sơn, khác với các nước, hệ thống y tế của Việt Nam có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương. Do đó, mọi bệnh nhân Covid-19 đều được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, Bộ Y tế sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch.
Tính đến 18h ngày 1/4, Việt Nam có 218 người mắc Covid-19. Trong đó, 63 ca khỏi bệnh/xuất viện, số bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế, đa số có sức khoẻ ổn định.
“Điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ chết của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang tăng nhưng đến nay chúng ta chưa có ca nào thiệt mạng. Đây là thành tựu rất lớn của ngành y tế. Với 4 bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng ta đã cai máy thở cho 3 người, chuẩn bị cai ECMO (hỗ trợ phổi nhân tạo) cho người còn lại”, Thứ trưởng Sơn nói.
Cụ thể, ca bệnh nặng nhất là bác ruột bệnh nhân số 17. Ba bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định (trong đó có 1 ca ECMO và 1 ca thở máy, 1 ca thở máy không xâm nhập), tiến triển tốt lên. Có 2 trong 4 bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần.
4 nhân viên y tế mắc Covid-19 (gồm 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và 2 điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai) đều có tình trạng sức khoẻ ổn định.
Video: Hà Nội lập 10 trạm xét nghiệm nhanh Covid-19
Bình luận