• Zalo

COVID-19 tàn phá, doanh nghiệp dệt may xoay xở để tồn tại

Thị trườngThứ Hai, 17/08/2020 07:17:11 +07:00Google News
(VTC News) -

COVID-19 khiến đơn hàng sụt giảm mạnh, thậm chí không có đơn mới, nhiều doanh nghiệp dệt may muốn tồn tại buộc phải cắt giảm lao động.

Hàng nghìn công nhân dệt may mất việc

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%. Trong nước, các doanh nghiệp dệt may buộc phải chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, cụ thể như: khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu.

Báo cáo trước đó của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành phải giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và 80% giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5. Tình hình khó khăn càng bộc lộ rõ hơn từ cuối quý II.

Khoảng 20% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động và cơ cấu lại hoạt động sản xuất. Trong nửa đầu năm 2020, dệt may và da giày đã có hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của 2 ngành này bị mất việc hoàn toàn.

COVID-19 tàn phá, doanh nghiệp dệt may xoay xở để tồn tại - 1

Nhiều doanh nghiệp dệt may buộc phải lựa chọn giải pháp cắt giảm nhân công vì thiếu việc làm. (Ảnh minh họa).

Đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.

Tuy nhiên, ngay sau đó, COVID-19 tái phát lần thứ 2 khiến các lĩnh vực kinh tế đều rơi vào cảnh trì trệ.

"Khách hàng huỷ rất nhiều đơn hàng đã đặt, thậm chí hàng đang sản xuất cũng bị dừng. Việc này rất đột ngột nên công ty xoay xở không kịp. Việc giảm nhân sự là điều không mong muốn nhưng chúng tôi buộc phải chọn phương án này vì chưa có giải pháp tốt hơn trong thời gian cầm cự", Tổng giám đốc một công ty dệt may ở Hưng Yên cho biết.

Chia sẻ với VTC News, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, việc cắt giảm lao động là biện pháp bất đắc dĩ của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với nguồn vốn không nhiều.

Đây cũng chỉ là biện pháp không thể đừng của doanh nghiệp sau khi đã tìm mọi cách để xoay sở ”, ông Cẩm nói.

Ông Cẩm cho biết thêm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và doanh nghiệp trong Hiệp hội đang cố gắng  thực hiện các giải pháp như giảm giờ làm và làm luân phiên cố gắng đến mức tối đa việc cắt giảm lao động.

Hiện tại các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn đang cố gắng thực hiện các giải pháp để tạo công ăn việc làm cho người lao động như chuyển đổi mặt hàng sản xuất, đàm phán với khách hàng tuy nhiên bản thân người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, người lao động sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp”, ông Cẩm nói thêm.

Xoay xở để tồn tại và giữ chân người lao động

Hiện tại, giữa guồng quay của COVID-19, những doanh nghiệp chưa phải cắt giảm lao động cũng đang đứng trước bài toán khó là tồn tại và giữ chân người lao động.

Trước mắt, nhiều doanh nghiệp lựa chọn không tăng giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì phải giảm số ngày làm việc của người lao động, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, trên tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy của thị trường. 

"Mặc dù hiện tại chúng tôi chưa cắt giảm lao động nhưng nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục và không có đơn hàng mới thì chúng tôi cũng sẽ phải tính đến bài toán đó vì có giữ lại cũng không có việc làm và tiền để trả cho người lao động", ông Phi Quang Đức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên) chia sẻ.

Ông Đức cũng cho biết thêm, hiện tại vẫn chưa phải thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp bởi trong 3 quý đầu năm, nhờ chuyển đổi mặt hàng sản xuất và các đơn hàng cũ nên doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự được, dù thu nhập của người lao động có bị giảm nhưng đến quý IV thì doanh nghiệp không biết xoay sở như thế nào để đủ việc làm cho hơn 2.000 lao động của công ty.

"Trung bình thu nhập hàng tháng của mỗi lao động là 12 triệu, hiện dù cố gắng hết sức nhưng thu nhập của lao động vẫn bị giảm còn 8 triệu đồng nhưng chúng tôi không thể đảm bảo có đủ việc làm cho người lao động trong những tháng tiếp theo", ông Đức nói thêm.

Cùng chung lo lắng với ông Phi Quang Đức, lãnh đạo Công ty TNHH Sơn Hà chi nhánh Thái Bình cho biết công ty có hơn 1.400 lao động. Hiện nay, nguồn hàng của công ty ổn định xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu nên chưa có phương án cắt giảm nhân sự nhưng trước tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, các đơn vị đối tác cũng bắt đầu có động thái dừng đầu tư.

"Nguồn đơn hàng của công ty từ giờ đến cuối năm trước mắt vẫn đủ để duy trì hoạt động sản xuất nên chúng tôi chưa tính đến phương án cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, nhiều đối tác trước đó có ý định đầu tư thì đã dừng lại không ký hợp đồng và nếu hết năm 2020 tình hình không khả quan hơn, các hợp đồng mới không được ký thì sang 2021 làm sao đủ việc làm cho người lao động không phải là chuyện nhỏ", vị này nói.

Bên cạnh nỗi lo làm sao để có thể tồn tại thì nỗi lo giữ chân người lao động cũng là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp bởi nếu giờ sa thải công nhân thì khi hết dịch sẽ rất khó khăn để tuyển lại.

"Không doanh nghiệp nào muốn sa thải công nhân bởi thực tế cho thấy khi doanh nghiệp hoạt động trở lại thì lấy đâu ra lao động làm việc, lúc này để tuyển mới cũng không phải dễ dàng vì lại mất công đào tạo lại", ông Cẩm nói.

Chính vì vậy, ông Cẩm cho biết đối với các doanh nghiệp dệt may, ưu tiên số 1 phải  là giữ chân người lao động, bảo toàn lực lượng cho dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng.

"Vừa có thể tồn tại vừa có thể bảo toàn lao động là bài toán khó đối với doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may. Các doanh nghiệp dệt may đều phải trang trải quỹ lương rất lớn cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tập trung tìm giải pháp tích cực để hạn chế tối đa việc phải giảm bớt lực lượng lao động", ông Cẩm nhấn mạnh.

LAN HƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn