Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, việc đeo khẩu trang không phải là một thói quen. Thậm chí, khẩu trang có thể trở thành dấu hiệu phân biệt chủng tộc với những người gốc Á.
Có nhiều quan điểm về việc khẩu trang hiệu quả đến mức nào để ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và các nước kêu gọi không tích trữ khẩu trang để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người thực sự cần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc người dân có sẵn sàng đeo khẩu trang ra đường hay không.
Tự do cá nhân
Mitsutoshi Horii, giáo sư Đại học Shumei ở Nhật Bản, hiện làm việc tại Anh, viết một bài nghiên cứu xã hội học vào năm 2014 về "lịch sử" đeo khẩu trang ở Nhật. Theo ông, người Nhật đeo khẩu trang một cách phổ biến để ngăn chặn cúm, đặc biệt ở người già. Chính phủ và giới y tế nhấn mạnh việc đeo khẩu trang như trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Ngoài ra, họ đeo khẩu trang để che khuyết điểm trên khuôn mặt, giữ ấm trong mùa đông và giúp cho sự nhút nhát của một số người. "Họ đeo khẩu trang một cách tự nhiên để cảm thấy an toàn hơn."
Horii cũng đặt ra câu hỏi tại sao người phương Tây không có thói quen này. Ông phát hiện ra rằng khẩu trang được các nhà chức trách trên khắp thế giới quảng bá rộng rãi trong cuộc khủng hoảng cúm Tây Ban Nha năm 1918. Nhưng ở phía Tây, đặc biệt là Mỹ, "đã có một sự phản đối lớn từ công chúng. Nó đi ngược lại ý thức hệ của họ về chủ nghĩa tự do, niềm tin vào tự do cá nhân".
Ở phương Tây, vì cảm thấy tầm quan trọng của việc để lộ khuôn mặt và tâm lý phản kháng mạnh mẽ, mọi người có xu hướng hình dung tiêu cực về khẩu trang, chuyên gia cho biết.
Những lo ngại về dịch bệnh có thể tạm thời xóa mờ khác biệt văn hóa khi nghĩ đến đeo khẩu trang, nhưng về lâu dài, rất khó để thay đổi nhận thức sâu sắc này của văn hóa phương Tây, Horii nói. Mọi người sẽ có xu hướng tìm kiếm bằng chứng khoa học ủng hộ hoặc bác bỏ những ý kiến đã có từ trước của họ về khẩu trang.
Video: Bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Biểu tượng kì thị?
Maria Sin Shun-ying từ Đại học Hong Kong đã viết vào năm 2014 về việc bệnh SARS khiến khẩu trang trở thành vật thể hiện "danh tính của bệnh". Những bức ảnh ấn tượng về đám đông đeo khẩu trang trên các đường phố châu Á đã phổ biến trên toàn cầu.
Khẩu trang dường như bị định kiến trên các phương tiện truyền thông phương Tây là một hiện tượng Châu Á, cũng như bị liên tưởng đến sự “che đậy” theo hướng tiêu cực.
New York Times trong bài bình luận yếu tố văn hóa và xã hội của việc đeo khẩu trang khi có dịch viết: "Ở phương Tây, hình ảnh người châu Á đeo khẩu trang, đôi khi, dù cố tình hay không, được nhìn nhận như dấu hiệu của sự khác biệt. Nhưng ở Đông Á, hành động đeo khẩu trang là cử chỉ truyền đạt sự đoàn kết trong trận dịch - thời điểm mà cộng đồng dễ bị chia rẽ bởi nỗi sợ hãi giữa người khỏe mạnh và người bệnh."
Theo Harris Ali, nhà xã hội học tại Đại học York (Canada), ở Bắc Mỹ, việc đeo khẩu trang vẫn được liên hệ với người châu Á. "Nó vẫn được xem là ngoài thông lệ, và do đó không được chấp nhận. Khẩu trang theo nghĩa đó trở thành biểu tượng kỳ thị".
Còn trong bối cảnh như Trung Quốc, đeo khẩu trang lại có thể có giá trị ngược lại, như thể hiện sự đoàn kết. “Trong một nền văn hóa tập thể hơn, việc đeo khẩu trang có ý nghĩa quan trọng hơn so với thế giới phương Tây”, ông nói.
Bình luận