Không yên tâm vì tình hình dịch bệnh ở Mỹ, Liu - sinh viên 26 tuổi tại Viện công nghệ Massachusetts, quyết định trở về Trung Quốc vào cuối tuần.
Trong chuyến bay từ Boston tới Hong Kong, rồi về Bắc Kinh, Liu đeo hai lớp khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay và mặc áo mưa. Sau hành trình dài về đến Bắc Kinh, Liu mất tiếp 10 giờ làm các thủ tục nhập cảnh và kiểm tra y tế. Dù vậy, anh vẫn vui vì được về với gia đình.
Trước đây, người Trung Quốc ở nước ngoài thường quyên góp khẩu trang và đồ bảo hộ cho người dân trong nước. Giờ tình hình thay đổi, họ lại phải suy nghĩ việc có nên “về quê” hay không.
Vấn đề hiện nay là nhiều người ở nước ngoài mất niềm tin vào hệ thống y tế nước sở tại.
“Nếu có chuyện gì xảy ra, tôi muốn mình ở Trung Quốc hơn. Các dịch vụ y tế tốt hơn. Hệ thống y tế có thể giải quyết điều trị cho hàng chục nghìn trường hợp. Ngoài ra, ở Mỹ đang thiếu nhân viên làm xét nghiệm”, Liu nói.
Zhang Shaofeng, doanh nhân Trung Quốc tại Mashhad, Đông Bắc Iran cho biết hàng trăm người Trung Quốc ở đây đã về nhà sau khi số ca lây nhiễm bắt đầu tăng ở Iran.
Zhang đầu tiên bay đến Bangkok ngày 1/3. Ông phải ở lại 1 tuần sau khi 1 hành khách cùng chuyến bay bị xác nhận nhiễm bệnh. Đến 10/3, ông được cho phép lên máy bay về Tứ Xuyên.
“Khi tướng Soleimani bị giết, chúng tôi vẫn không đi đâu. Nhưng giờ tất cả chúng tôi đều muốn về Trung Quốc. Ở đó (Trung Quốc) an toàn hơn”.
Tuy nhiên, ngoài các quy định hạn chế đi lại ở nhiều nơi, hiện nay việc mua vé máy bay và trở về Trung Quốc không còn dễ dàng, vì chi phí tăng chóng mặt.
Nhiều chuyến bay từ châu Âu và Mỹ bị hủy, vé máy bay hiện có giá hàng nghìn USD. Công ty máy bay tư nhân Deer Jet đã bán 40 ghế trên chuyến bay hạng sang từ London đến Thượng Hải với giá 26.000 USD một ghế, theo The Beijing News.
Bên cạnh giá cả, một nguy cơ khác của việc bay về là khả năng lây nhiễm trong các chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, việc quay trở lại nước ngoài để học tập và làm việc cũng sẽ không dễ dàng.
Wu Peiyue, 26 tuổi, làm việc tại thành phố New York. Cô lo lắng nếu quay về Trung Quốc thì sẽ gặp khó khăn khi quay lại Mỹ do các hạn chế đi lại.
Tính đến ngày 18/3, New York có hơn 800 ca bệnh. Do đó, Wu cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể và đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài. Cô không có bảo hiểm y tế ở Mỹ và sẽ không thể chi trả hóa đơn nếu bị ốm.
“Có thể tôi vẫn sẽ chỉ ở nhà nếu bị nhiễm bệnh. Nếu không vượt qua được, tôi sẽ chết”, Wu chia sẻ.
Chính phủ Trung Quốc đang thận trọng với các công dân từ nước ngoài về, vì lo ngại tốc độ lan truyền bệnh có thể tăng lên nhanh.
Hiện số ca lây nhiễm du nhập vào Trung Quốc bắt đầu nhiều hơn số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 13 ca được xác nhận nhiễm bệnh hôm 18/3, 12 ca là từ nước ngoài về.
Một số tỉnh ở Trung Quốc yêu cầu tất cả những người từ nước ngoài về phải cách ly bắt buộc. Ngoài ra, họ phải đăng ký với khu dân cư trước khi về đến Trung Quốc.
Bình luận