Hồi đầu tháng 12, thành phố Thượng Hải hủy 500 chuyến bay, phong tỏa các trung tâm thương mại, đình chỉ các dịch vụ y tế, ngoại trú sau khi 3 ca nhiễm COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Tuần trước, thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông xét nghiệm toàn bộ 10,5 triệu dân sau khi phát hiện 4 bệnh.
Câu chuyện phong tỏa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt đã trở nên quá mức quen thuộc với người dân Trung Quốc suốt 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Chống dịch một mình một kiểu
Khi COVID-19 bắt đầu bùng phát vào những tháng đầu năm 2020, hàng loạt thành phố tại Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt bất chấp hoài nghi và chỉ trích.
Các địa phương yêu cầu hàng chục triệu dân không ra khỏi nhà, phát tem phiếu đi chợ luân phiên. Đi lại giữa các thành phố cũng bị hạn chế tối đa, các chuyến bay phải hủy bỏ hàng loạt, mọi hoạt động thể thao, lễ hội, giải trí phải tạm ngưng.
Trước cơn lũ bệnh nhân, Trung Quốc cho xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến với một số cơ sở được hoàn thành chỉ trong vài ngày.
Các biện pháp cứng rắn chưa từng thấy giúp Trung Quốc nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.
Vào tháng 3/2020, khi các nước phương Tây bắt đầu ngấm đòn COVID-19 do chủ quan, khinh dịch, Trung Quốc tuyên bố cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.
Nhiều tháng sau đó, bất chấp làn sóng nCoV tàn phá khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt chỉ phải đối phó với các ca bệnh lẻ tẻ, vừa nhú phát sinh đã bị dập bỏ.
Khi Delta bắt đầu lây lan trên diện rộng, trở thành biến chủng chủ đạo, càn quét khắp Ấn Độ, châu Âu cho tới Mỹ từ giữa năm 2021, Trung Quốc siết chặt nhập cảnh.
Khi biến chủng này bắt đầu hạ nhiệt ở Ấn Độ và các nước đã lần lượt trải qua các cơn sóng thần Delta đưa tới, Trung Quốc mới ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 7.
Nhưng khác với các nước khác lay lắt chống dịch tháng này qua tháng khác, Trung Quốc chỉ mất 35 ngày để dập đợt dịch do Delta gây ra.
Đi kèm với thành công chống dịch đó là những đánh đổi về kinh tế.
Kinh tế suy thoái
Hồi tháng 9, chỉ số chính thức về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang vùng suy thoái kể từ tháng 2/2020 - thời điểm nền kinh tế thứ 2 thế giới đang dần khống chế được làn sóng đầu của đại dịch.
Hàng loạt các doanh nghiệp gặp khó trong quá trình chuyển đổi sản xuất giữa lệnh phong tỏa vì không biết các lệnh phong thành bao giờ mới chấm dứt.
Các làn sóng lây nhiễm liên tiếp cũng giáng đòn nặng nề lên các thành phố. Hoạt động giao thương, đi lại bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân liên tục bị gián đoạn.
"Số ca nhiễm gia tăng có thể dẫn đến tình cảnh các nhà máy, bến cảng đóng cửa hoàn toàn, gây ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa nghiêm trọng hơn", công ty phân tích thị trường S&P Global Platts cảnh báo.
Các chuyên gia nhận định chính sách “Không COVID-19” đang khiến Trung Quốc ngày càng trở nên bị cô lập và những biện pháp phòng chống dịch không có điểm dừng gây gián đoạn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng khó có khả năng Trung Quốc đánh đổi thành quả chống dịch để thử nghiệm mở cửa, giống như tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới đang làm.
Theo kênh CNN, World Bank (WB) dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8% trong năm 2021 so với một năm trước - thấp hơn so với các dự báo trước đó của chính tổ chức này. Hồi tháng 10, WB dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay. Vào tháng 6, WB dự báo tăng trưởng 8,5%.
WB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%. Trong khi đó, những phân tích của Bloomberg cho thấy, GDP năm của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 4,5% trong năm 2021, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo 4,9% hồi đầu quý III/2021.
Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ tăng 3,9%. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2% vào năm 2020. Trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc ngày 22/12, WB cho biết: "Nguy cơ suy giảm về triển vọng kinh tế Trung Quốc đã tăng lên"
Suốt nhiều tháng qua, quan chức chính phủ và các chuyên gia y tế Trung Quốc nhiều lần khẳng định nước này sẽ không từ bỏ chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19.
"Một số quốc gia quyết định mở cửa hoàn toàn dù vẫn còn vài ca nhiễm. Điều đó dẫn đến số lượng ca nhiễm lớn trong 2 tháng qua, rồi họ tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Cách tiếp cận này thực sự tốn kém hơn. Tác động tâm lý đến người dân và xã hội càng lớn", Chung Nam Sơn - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nói hồi đầu tháng 11.
Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, ông Chung tiếp tục khẳng định thế giới nên công nhận chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 mà Trung Quốc đang áp dụng là đúng đắn khi Omicron đang lây lan ở nhiều quốc gia.
Tuyên bố này đồng nghĩa ước mơ trở lại Trung Quốc của các du học sinh hay các hành lang du lịch mà các nước hy vọng thiết lập với quốc gia tỷ dân là một điều xa vời.
"Những sinh viên quốc tế như tôi không còn dám hy vọng nhiều nữa, đã hai năm rồi", Balia Khoo, sinh viên năm 4 ngành Y khoa đang theo học một trường đại học Trung Quốc cho biết.
Khoo về nước từ tháng 1/2020 vào dịp Tết Nguyên đán và tới giờ vẫn chưa thể quay trở lại. Bạn bè của Khoo là các du học sinh Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đều đã được trở lại trường. Riêng anh đã chờ 4 kỳ học và thôi nuôi hi vọng có thể trở lại Trung Quốc hoàn thành nốt chương trình học.
Đến phát triển vaccine cũng khác biệt
Không chỉ chọn cách chống dịch một mình một kiểu, cách thức triển khai vaccine của Trung Quốc cũng không giống bất cứ nước nào.
Quốc gia tỷ dân cho tới nay chỉ sử dụng các nước vaccine COVID-19 trong nước sản xuất.
Tính tới hiện tại, khoảng 82% trong tổng số gần 1,4 tỷ người Trung Quốc đã được chủng ngừa đầy đủ bằng vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển dù một số nghiên cứu chỉ ra các loại vaccine này không hiệu quả bằng các vaccine của phương Tây.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine CoronaVac của Sinovac chỉ có hiệu quả 51% trong việc ngăn ngừa triệu chứng bệnh so với biến thể ban đầu, con số này với vaccine của Sinopharm là 79%. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine mRNA do Pfizer và Moderna phát triển đều cao trên 90%.
Các nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng Omicron có thể né được vaccine của Sinopharm, tạo ra rất ít kháng thể hoặc gần như không tạo ra kháng thể chống lại biến chủng này. Trong khi đó, những người tiêm vaccine Moderna, Pfizer và AstraZeneca vẫn phát triển các kháng thể trung hòa giúp phát hiện và chống lại Omicron.
Trên thực tế, không phải các chuyên gia Trung Quốc không nhìn ra vấn đề.
Tháng trước, Zeng Guang, cựu trưởng ban dịch tễ học tại CDC Trung Quốc thừa nhận dữ liệu tiêm chủng thực tế cho thấy sử dụng vaccine mRNA hoặc vaccine protein tái tổ hợp làm liều thứ ba thay cho vaccine bất hoạt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, ông Zeng vẫn khẳng định việc sử dụng công nghệ tương tự để cung cấp các mũi tiêm tăng cường sẽ an toàn hơn và được công chúng chấp nhận rộng rãi hơn.
Ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng có yếu tố chính trị trong việc phê chuẩn vaccine của Trung Quốc - quốc gia đi đầu trong việc phát triển vaccine sau khi dịch bùng phát.
“Khi Trung Quốc phát triển vaccine của riêng mình, họ dùng nó làm đòn bẩy để thể hiện sự tiến bộ công nghệ của mình. Bây giờ nếu Trung Quốc chuyển sang vaccine do nước ngoài sản xuất, nhiều người sẽ cho rằng họ thua kém các nước khác về khả năng công nghệ”, ông Huang phân tích.
Cũng theo ông Huang, giới chức Bắc Kinh cũng quan tâm tới việc bảo vệ lợi ích ngành sản xuất vaccine trong nước.
Thay vì tính tới chuyện phê chuẩn vaccine mRNA do nước ngoài sản xuất, Trung Quốc đang bật đèn xanh để các công ty dược trong nước tự phát triển vaccine mRNA của riêng mình. Huang tin rằng ưu tiên của Bắc Kinh hiện tại là phê duyệt vaccine mRNA sản xuất trong nước trước khi cấp phép cho bất kỳ vaccine "ngoại" nào.
Bế quan
COVID-19 không chỉ khoét sâu vào các khác biệt giữa Trung Quốc về thế giới. Nó tiếp tục củng cố thực tế nhiều năm qua rằng Bắc Kinh sẵn sàng bỏ ngoài tai các chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và theo đuổi đường hướng mình vạch ra.
Khi các nhà nước lãnh đạo thế giới tập trung khá đông đủ ở Anh dự hội nghị COP26 - sự kiện được đánh giá là có tính cấp thiết đặc biệt trong nỗ lực cứu lấy Trái đất, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ gửi tới bài phát biểu được ghi hình trước.
Truyền thông Anh loan tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi thư mời cá nhân tới ông Tập trước 3 tháng diễn ra sự kiện nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong số nhiều sự kiện mà Chủ tịch Trung Quốc từ chối trực tiếp tham dự. Kể từ khi dịch bùng phát, ông Tập không thực hiện bất kỳ chuyến thăm, hoạt động ngoại giao nào ở nước ngoài. Giới chức Trung Quốc không tuyên bố nhưng ngầm nói rằng các quy định về kiểm soát COVID-19 là lý do chính khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không "xuất ngoại".
Theo các chuyên gia, việc Chủ tịch Tập không ra nước ngoài suốt 21 tháng cũng phần nào cho thấy Trung Quốc giờ đã không còn thấy bắt buộc phải hợp tác hoặc cố tình tỏ thiện chí hợp tác với Mỹ và đồng minh về nhiều chủ đề vượt ra ngoài các điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra. Thay vào đó, nước này chuyển sang hướng nội với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho ông Tập và guồng máy chính trị trong nước.
Theo Victor Shih - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, việc ông Tập hạn chế các chuyến xuất ngoại cũng trùng với thời điểm chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc được đẩy lên cao trào, lấn át nhu cầu hợp tác hay thỏa hiệp với bên ngoài.
“Ông ấy không còn cảm thấy cần phải có sự ủng hộ quốc tế khi đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ ở trong nước", Giáo sư Shih phân tích.
Dù vậy, sự vắng mặt của ông Tập trên các diễn đàn quan trọng vấp phải không ít chỉ trích.
Từ Glasgow, Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc đã không thể hiện vai trò dẫn dắt chống biến đổi khí hậu khi ông Tập không tới dự hội nghị COP26.
"Có thể hiểu thực tế là Trung Quốc đang cố gắng khẳng định vai trò mới trên thế giới với tư cách lãnh đạo toàn cầu, nhưng lại không xuất hiện", ông Biden cho hay.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc mới đây - sự kiện vốn rất được mong đợi, hai nhà lãnh đạo cũng chỉ trao đổi qua 2 tấm màn hình lớn thay vì đối chất trực tiếp.
Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp với định dạng trực tuyến như vậy sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu hai bên muốn giải quyết hàng loạt các bất đồng.
Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi đáng kể kể từ sau đại dịch bùng phát. Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu đại dịch trong khi Bắc Kinh tố ngược Washington chính trị hóa COVID-19.
Không chỉ dừng lại ở chỉ trích, Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc dịch và nhận được sự ủng hộ từ hàng loạt các quốc gia.
Nhưng Trung Quốc gay gắt lên án nỗ lực này, từ chối hợp tác và thậm chí còn đề xuất mở các cuộc điều tra nguồn gốc dịch tại các nước như Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng từ bất cứ góc độ nếu nhìn từ đại dịch, Trung Quốc cũng cho thấy họ là một thực thể rất khác biệt. Nhưng nó đồng thời cũng chỉ ra tiềm lực hùng mạnh cũng như ảnh hưởng rất lớn của nước này đối với thế giới.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới chứng minh tiềm lực đó đủ để họ bế quan tỏa cảng, tự cung, tự cấp giữa lúc thế giới dần bắt đầu kết nối trở lại vì không thể chịu đựng thêm những tổn thương mà COVID-19 gây ra.
Bài 1: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn
Bài 2: Khi các lãnh đạo thế giới không thể 'nói chuyện' với nhau
Bài 3: Mỹ-Trung từ thương chiến sang gia tăng đối đầu trên biển
Năm 2021 qua đi với những thách thức từ đại dịch COVID-19 vẫn còn nguyên dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển tốt lên, nhưng khó khăn chưa thực sự chấm dứt.
VTC News xin gửi tới độc giả chùm bài viết tổng kết tình hình thế giới năm 2021 thông qua những góc nhìn phản chiếu ảnh hưởng của COVID-19 và những dự báo trong tương lai các vấn đề bao trùm lên các mối quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Bình luận