Đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ đầu tháng 5/2021 đến nay khiến các rạp chiếu phim tạm ngừng hoạt động. Đây là thời gian tạm đóng cửa lâu nhất của rạp phim kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.
Vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tổng doanh thu ngành điện ảnh nửa đầu các năm 2021, 2020 giảm mạnh so với 2019. Số liệu của trang thống kê độc lập Box Office Việt Nam cho biết doanh số toàn ngành của 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng, năm 2020 chỉ đạt 750 tỷ đồng (phải đóng cửa từ 20/3-9/5), còn 2021 đạt 1.156 tỷ đồng.
Theo ông Đoàn Thạch Cương - Giám đốc kinh doanh của Lotte, tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 5-7/2020, nhà phát hành này đạt gần 4 triệu lượt vé bán ra. Nhưng tới cùng kỳ năm 2021, số vé không được bao nhiêu vì dịch bệnh ập tới.
Hiện nay, các doanh nghiệp điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn khi phải chi trả nhiều kinh phí cố định như lương, bảo hiểm xã hội, y tế cho nhân viên, mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện nước duy trì máy móc thiết bị trong khi doanh thu về 0. Nhiều đơn vị cho biết, họ phải chịu lỗ trung bình từ 15-20 tỷ đồng mỗi tháng vì đóng cửa.
Vì dịch bệnh là lý do khách quan, một số đơn vị cho thuê mặt bằng đã giảm tiền thuê, gia hạn nộp tiền thuê cho tới khi các rạp được mở cửa hoặc có dòng tiền ổn định trở lại.
Tuy nhiên, chi phí vận hành máy móc và nợ, lãi ngân hàng là rất lớn. Tổng giám đốc Galaxy, bà Mai Hoa cho biết 18 cụm rạp của hãng có thể tiêu tốn 700-800 triệu đồng tiền điện mỗi tháng chỉ riêng cho việc vận hành máy móc, nhằm tránh hỏng hóc vì không hoạt động lâu ngày. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn chịu áp lực vì phải trả gốc và lãi ngân hàng đúng hạn, nếu không được tái cơ cấu các khoản vay thì mỗi tháng vẫn phải chi ra hàng chục tỷ đồng”, bà Hoa chia sẻ.
Trong khi đó, BHD và CGV cho biết đang cố gắng duy trì tiền lương và số lượng nhân viên. Để đảm bảo 10.000 lao động toàn ngành không rơi vào cảnh đồng loạt sa thải, các doanh nghiệp từng đề nghị được gia hạn các khoản bảo hiểm của nhân viên trong văn bản trình Thủ tướng và nhiều bộ ban ngành, cùng với nhiều đề nghị về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác.
Với các đơn vị sản xuất phim, mỗi lần dời lịch đi kèm với chi phí tăng thêm để quảng bá lại. Lý Hải từng cho biết anh thiệt hại 10 tỷ đồng cho hai lần hoãn chiếu “Lật mặt: 48h” (vào dịp 30/4 năm ngoái và Tết năm nay). Êkíp phải gỡ hình ảnh, thông tin tại rạp, đồng thời chiếu trailer mới. Nhưng Lý Hải vẫn may mắn vì “Lật mặt: 48h” kịp cán mốc doanh thu ấn tượng là 150 tỷ đồng ngay trước lúc đóng rạp.
Sau 6 tháng đóng cửa, việc nhà rạp tái hoạt động từ ngày 19/11 vừa qua khiến không ít nhà sản xuất phim cũng như các cụm rạp ở TP.HCM vui mừng. Hiện các rạp đều đã sẵn sàng mọi điều kiện và ưu tiên chiếu các phim từng chiếu một thời gian nhưng bị tạm hoãn vì dịch.
Đại diện phía rạp Lotte Cinema đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về vệ sinh phòng chiếu, danh sách phim cho ngày tái hoạt động.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hoạt động của các rạp chiếu phim cũng như thói quen ra rạp của khán giả chưa thể ổn định ngay lập tức. Thay vào đó, thời điểm vàng cho các dự án tấn công phòng vé là vào đầu năm 2022.
Theo đại diện hệ thống rạp CGV, khi rạp phim được mở cửa, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch cao nhất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế như: Khử khuẩn bề mặt và xịt khử khuẩn cho rạp hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử...
Bình luận