Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại hội nghị COP29 đã kêu gọi các quốc gia tăng cường đóng góp vào cơ chế tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Kêu gọi nghiêm túc về mức tài chính cần thiết
“Trong kỷ nguyên khí hậu cực đoan, tài trợ cho tổn thất và thiệt hại là điều bắt buộc. Tôi kêu gọi các chính phủ thực hiện. Nhân danh công lý”.
Ông nói thêm, rằng thế giới đang trở nên nóng lên và nguy hiểm hơn, "không cần phải tranh luận về vấn đề này nữa". Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng cho rằng "thảm họa khí hậu đang chồng chất" và gây tác động nhiều nhất đến những người không thực sự là là nguyên nhân gây ra thảm họa này.
"Trong khi đó, những người đóng góp nhiều vào sự tàn phá - đặc biệt là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch - tiếp tục thu được lợi nhuận và trợ cấp khổng lồ", ông nói thêm.
Ông Guterres mô tả việc thành lập Quỹ Mất mát và Thiệt hại (khoản hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu) là "một chiến thắng cho các nước đang phát triển, cho chủ nghĩa đa phương và cho công lý", nhưng nhấn mạnh rằng số vốn ban đầu 700 triệu USD "không đủ".
Ông cho rằng, trên thực tế, con số này tương đương thu nhập hàng năm của 10 cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới, chưa bằng một phần tư thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra ở Việt Nam vào tháng 9 vừa qua.
"Chúng ta phải nghiêm túc về mức tài chính cần thiết", ông nói. "Tôi kêu gọi các quốc gia cam kết tài trợ mới cho quỹ. Và viết séc tương ứng".
Nhiều cam kết đưa ra trong tuần đầu
Brazil và Vương quốc Anh là những nước đầu tiên trình bày các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được cập nhật của họ ba tháng trước thời hạn.
Vương quốc Anh cam kết giảm 81% lượng khí thải vào năm 2035 so với mức năm 1990, tái khẳng định cam kết của mình đối với tài chính khí hậu quốc tế với 3 tỷ bảng Anh dành cho thiên nhiên, bao gồm 1,5 tỷ bảng Anh cho bảo tồn rừng. Vương quốc Anh cũng công bố 16 triệu USD cho Quỹ Africa Go Green, quỹ này trước đây đã giúp tài trợ cho các sáng kiến nấu ăn sạch hơn trên khắp lục địa.
Chủ nhà của COP tiếp theo, Brazil, công bố một mục tiêu khí hậu mới tại COP29, hướng tới mục tiêu giảm 59% đến 67% lượng khí thải nhà kính (GHG) trên toàn nền kinh tế vào năm 2035, so với mức năm 2005. Mục tiêu này tương đương với việc giảm 850 triệu đến 1,05 tỷ tấn carbon dioxide tương đương vào năm 2035.
Các nhà lãnh đạo bản địa từ Brazil, Australia và Thái Bình Dương cũng phát động sáng kiến 'Bộ ba các dân tộc bản địa', ủng hộ việc thực hiện Thỏa thuận Paris phù hợp với quyền tự quyết và quyền lãnh thổ của. Bộ trưởng Brazil Sônia Guajajara kêu gọi mở rộng đại diện của người bản địa tại COP30 ở Belém, nhấn mạnh nhu cầu tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán.
Việt Nam mang đến các đề xuất
Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) đang diễn ra tại Azerbaijan còn được biết tới là hội nghị về tài chính. Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia tại Hội nghị là đưa ra một thỏa thuận đảm bảo tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai.
Các nước đang phát triển tiếp tục đề nghị nâng cao mức hỗ trợ trong thời gian tới. Quan điểm của Việt Nam là kêu gọi thiết lập một định nghĩa rõ ràng, toàn diện về tài chính khí hậu. Nếu không thì khó có thể đánh giá và xem xét rằng liệu mục tiêu 100 tỷ USD đã đạt được hay chưa.
Tại Hội nghị, Việt Nam đề xuất: Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG) cần đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển, ít nhất là 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2035. NCQG cần phải nhắc lại sự cần thiết của các nguồn lực công cho thực hiện các Kế hoạch Thích ứng quốc gia và hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu trong NDC của các nước đang phát triển.
Không kém phần quan trọng, tài chính khí hậu sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay theo lãi suất thị trường với các điều khoản ưu đãi khác như thời gian hoàn vốn và ân hạn, tín dụng xuất khẩu và đầu tư.
Bên lề Hội nghị COP29, ông Phạm Văn Tấn (Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Phó Trưởng đoàn Đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị COP 29 - có buổi tiếp, làm việc với bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) về các nội dung hợp tác tiềm năng trong triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thị trường các-bon.
Việt Nam sẽ vận hành thị trường trong nước từ năm 2028 và sau đó kết nối với thị trường quốc tế. Trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025 – 2027, việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số lĩnh vực phát thải lớn và vận hành thử nghiệm thị trường sẽ được thực hiện.
Đánh giá cao Việt Nam đã triển khai nhanh chóng các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu, bà Anne Hammill khẳng định cam kết của Viện quốc tế về Phát triển bền vững trong việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai mạnh mẽ các cam kết, thiết lập thị trường các-bon.
IISD hiện đang có dự án mới về dấu chân các-bon khu vực châu Á, dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam, Indonesia, Philippines. IISD đề xuất sẽ phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo quốc tế liên quan đến nội dung này để tham vấn các nội dung khả thi có thể triển khai tại Việt Nam.
Bình luận