• Zalo

Công ty giúp TQ bồi đắp phi pháp ở Biển Đông vào 'tầm ngắm' trừng phạt của Mỹ

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 18/07/2020 19:23:11 +07:00Google News
(VTC News) -

Một số công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc nằm trong tầm ngắm trừng phạt của Mỹ vì vai trò trong hoạt động bồi đắp phi pháp trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Hồi đầu tuần, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các công ty thuộc sở hữu của nhà nước để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực nhằm bảo đảm trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản. 

Ông này nói thêm rằng Washington có thể sẽ đáp trả hành vi chèn ép của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong tuyên bố của mình, nhà ngoại giao Mỹ đề cập tới 2 cái tên là Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). 

Công ty giúp TQ bồi đắp phi pháp ở Biển Đông vào 'tầm ngắm' trừng phạt của Mỹ - 1

Ảnh chụp năm 2014 cho thấy các tàu nạo vét Trung Quốc tham gia bồi đắp phi pháp Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép (Ảnh: CSIS/AMTI)

CCCC được cho đã giúp Trung Quốc triển khai các hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong khi CNOOC là đơn vị hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.

Bình luận của ông Stilwell được đưa ra một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp của Ngoại trưởng Pompeo, chỉ trích hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông là "trái pháp luật". Tuyên bố này được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở rộng và hiện đang tăng cường chính sách của mình đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực Biển Đông.

Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. 

Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.

Sau tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ bác hầu hết yêu sách phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng Washington đang "bóp méo sự thật" và phóng đại tình hình ở Biển Đông nhằm gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước khác. 

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc đã không đề cập đến thực tế rằng, yêu sách "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ không thi hành phán quyết này.

Song Hy(Nguồn: SCMP)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới