• Zalo

Công Phượng sẽ phải ngồi dự bị thường xuyên?

Thể thaoThứ Sáu, 06/03/2015 07:25:00 +07:00Google News

Những dấu hỏi về sự phù hợp giữa phong cách chơi bóng của Công Phượng và triết lý của HLV Miura có lẽ đã có lời giải trong trận giao hữu chiều qua với Hà Nội T&

(VTC News) - Những dấu hỏi về sự phù hợp giữa phong cách chơi bóng của Công Phượng và triết lý của HLV Miura có lẽ đã có lời giải trong trận giao hữu chiều qua với Hà Nội T&T.

Ngay từ những ngày U23 Việt Nam chưa hội quân, người ta đã bàn tán về chuyện hợp hay không hợp giữa Công Phượng và HLV Miura. Một bên chơi bóng ngắn, sở trường đánh trung lộ, còn một đằng lại chủ trương bóng dài, chủ yếu khoét sâu ở hai biên.
Công Phượng chỉ hợp đá dự bị
 Công Phượng chỉ hợp đá dự bị? (Ảnh: Quang Minh)
Bản thân nhà cầm quân người Nhật có lẽ cũng ý thức được độ vênh không nhỏ giữa triết lý của ông với phong cách chơi bóng của ngôi sao trẻ số một Việt Nam. Chẳng thế mà Công Phượng phải dự bị, nhường chỗ cho người đồng đội Văn Toàn đá chính.

Xét về khả năng cá nhân thì chưa chắc chân sút gốc Hải Dương nhỉnh hơn Công Phượng, nếu như không muốn nói ngược lại. Nhưng nhìn những gì xảy ra trên sân Hàng Đẫy chiều qua 5/3 mới thấy Văn Toàn hợp với cách bố trí của HLV Miura hơn. Thầy Nhật cần một tiền đạo biết làm tường, biết xử lý một chạm nhanh, và biết dứt điểm bất ngờ - những yếu tố mà cựu thủ quân U19 Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế.

HLV Miura đã “găm” Công Phượng lại, giống như giấu đi một mũi dao trong tay áo. Cũng có thể coi đó là một chiêu khích tướng nữa, giống như cách thầy Giôm từng cho chân sút sinh năm 1995 dự bị tại Lạch Tray, nhưng nhìn những gì xảy ra ở Hàng Đẫy, có vẻ như đó là một quyết định mang nặng tính chiến thuật nhiều hơn.
Video Công Phượng ghi bàn vào lưới Hà Nội T&T
Bởi Công Phượng rõ ràng là một tay chơi phản công rất cừ. Anh có thể chỉ là một cầu thủ dạng trung bình nếu cứ phải nhận bóng trong tư thế quay lưng lại khung thành, nhưng khi có đủ khoảng trống để phát huy kỹ năng rê dắt (điều rất dễ có được khi đội bóng chơi phản công), Phượng chẳng khác nào “thoát thai hoàn cốt”.

Hà Nội T&T chưa từng đụng HAGL ở V-League và có vẻ như họ đã khá ngạc nhiên trước khả năng của Công Phượng. Ít nhất là trong khoảng thời gian 25 phút của nửa cuối hiệp 2, tiền đạo xứ Nghệ đã 3 lần khiến đại diện Thủ đô phải thót tim. 

Lần đầu tiên anh mở bóng chéo cánh cho Thanh Hiền băng lên từ tuyến hai, nếu cầu thủ Đồng Tháp không vấp bóng thì có lẽ anh này đã có thể đối mặt với Dương Hồng Sơn. Lần thứ hai, Công Phượng rê bóng khoảng 30-40 m ở trung lộ, vượt qua sự đeo bám của một hậu vệ áo trắng rồi tỉa bóng cực khéo cho người đá cặp Thanh Bình ở phía trên, tiếc là anh này không hiểu ý và xuất phát hơi chậm.
Công Phượng vs Hà Nội T&T
Hy vọng bàn thắng sẽ giúp Công Phượng chơi tốt hơn trong thời gian tới
(Ảnh: Quang Minh)

Lần cuối cùng, Công Phượng thể hiện tốc độ nước rút đáng kinh ngạc bên hành lang trái. Anh vượt qua 2, 3 cầu thủ Hà Nội T&T nhưng lại phải chuyền về khi đã áp sát vòng cấm do đồng đội không lên hỗ trợ kịp.

Chừng ấy cơ hội đủ để nói lên rằng Công Phượng hoàn toàn có khả năng trở thành một tiền đạo kiểu như Michael Owen trước đây. Cựu cầu thủ Man Utd luôn là nỗi ám ảnh cho các đối thủ khi anh có khoảng trống thoát xuống để bắt tốc độ. 

Công Phượng của chiều 5/3 cũng giống như thế. Anh khéo léo, có kỹ thuật tốt, và bứt phá được ở cự ly ngắn. Điểm duy nhất Phượng còn cần cải thiện để có thể coi là “Owen Việt Nam” chỉ là ở khâu dứt điểm.

Dẫu vậy, 45 phút của anh tại Hàng Đẫy đã có thể coi là thành công, dù thành công ấy chỉ gói gọn trong cách bố trí và sử dụng Công Phượng như thế nào mà thôi.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn