(VTC News) - Công Phượng là ngôi sao trẻ đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam nhưng lối chơi của cầu thủ này chưa chắc đã hợp với triết lý của HLV Miura.
Sau khi lặn lội hàng nghìn km vào Long An xem giò Công Phượng trong trận thua 1-2 trước ĐTLA, HLV Miura bình luận: "Các cầu thủ trẻ HAGL rất tiềm năng và xứng đáng được xem như tương lai của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này họ chưa đạt đến đẳng cấp để đá ở V-League".
Công Phượng mất điểm nghiêm trọng trong trận gặp ĐTLA |
Quay trở lại thời điểm cách đây gần một tháng, khi HLV Miura gây bão bằng những lời nhận xét về thói quen xấu của các cầu thủ tấn công Việt Nam, thầy Nhật khẳng định: "Khi tấn công, cầu thủ tự ý cầm bóng di chuyển dựa trên kỹ thuật cá nhân, nên tôi đã lưu ý nhắc nhở để họ chuyền nhanh sau chỉ 1 hoặc 2 chạm".
Hai bình luận, không cùng một thời điểm, nhưng dường như đều dành cho một người, đó là Công Phượng. Cầu thủ số 44 của HAGL rất kỹ thuật, và thế mạnh của anh đúng là khả năng đột phá, tạo đột biến. Chính nhờ đặc điểm này mà anh từng làm nên rất nhiều siêu phẩm, tiêu biểu có bàn thắng vào lưới U19 Australia ở trong giải U19 Đông Nam Á mở rộng tại Việt Nam hồi tháng 9/2014.
Video Công Phượng solo ghi bàn vào lưới U19 Australia
Tuy nhiên ngoài kỹ thuật cá nhân, Công Phượng gần như không có đặc điểm nổi trội nào khác. Trong trận đấu với ĐTLA, khi bị các hậu vệ kinh nghiệm của đội chủ nhà theo sát, cầu thủ tấn công gốc Nghệ An gần như không có nổi thời gian để suy nghĩ mỗi khi tiếp bóng. Không gian chơi bóng của anh bị thu hẹp khiến những tình huống đột phá sở trường của Công Phượng hoàn toàn biến mất.
|
Rốt cuộc, những nỗ lực của anh đều không thành vì "chưa đạt đến đẳng cấp V-League".
Soi kỹ lối chơi của Olympic Việt Nam ở ASIAD 17 hay ĐTVN ở AFF Cup 2014, mọi người đều có thể thấy rằng, HLV Miura đã hạn chế tối đa sự rườm rà trong các tình huống tấn công.
Những người giỏi quấy phá như Thành Lương, Văn Quyết được sử dụng một cách chừng mực. Cựu HLV trưởng Sapporo trước sau đều nhất quán với triết lý vận hành nhanh, mạnh và đơn giản.
Những người giỏi quấy phá như Thành Lương, Văn Quyết được sử dụng một cách chừng mực. Cựu HLV trưởng Sapporo trước sau đều nhất quán với triết lý vận hành nhanh, mạnh và đơn giản.
Công Phượng vẫn còn cơ hội chứng tỏ tài năng ở phía trước |
Trong sơ đồ 4-4-2 mà ông thường sử dụng, vũ khí chủ đạo của thầy Nhật là sức mạnh hai bên cánh. Đội Olympic cũng như ĐTQG đã tuân thủ triệt để ý đồ này, và thường đưa bóng xuống sát đường biên ngang, trước khi thực hiện những quả tạt vào phía trong.
Nếu cứ đá như vậy thì Công Phượng, nếu được sử dụng, gần như sẽ đói bóng. Chân sút sinh năm 1995 từng có một thời gian ngắn đá tiền đạo cánh trong sơ đồ 4-3-3 mà thầy Giôm sử dụng khi du đấu ở châu Âu đầu năm ngoái, nhưng anh vẫn thích hợp hơn với vai trò của một số 10 cổ điển, nghĩa là xuất hiện tại trung lộ và dẫn dắt lối chơi.
Sẽ không có chuyện HLV Miura thay đổi triết lý, điều ấy cũng có nghĩa, Công Phượng nếu muốn được trọng dụng trước mắt ở đội U23, cần phải thay đổi bản thân. Chính HLV Lê Thụy Hải đã nhìn ra điểm này bằng tuyên bố ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng:
"Công Phượng bớt đột phá sẽ tốt hơn. Ai cũng biết đó là điểm mạnh nhất của cậu ấy nhưng trước đối thủ Nhật Bản có kỹ thuật, thể lực và khả năng tranh chấp tốt, việc Công Phượng cố gắng đột phá sẽ không phải là giải pháp hay và cũng thiếu tính bất ngờ. Sẽ hợp lý hơn nếu Phượng thu hút 2-3 hậu vệ đối phương rồi chuyền bóng cho Văn Toàn hoặc Văn Long tận dụng khoảng trống băng lên".
Không ai phủ nhận tài năng của Công Phượng, kể cả HLV Miura. Nhưng thầy Nhật cũng là một người rất công bằng, ông sẽ chỉ triệu tập những cầu thủ có phong độ tốt, và quan trọng nhất là phù hợp với triết lý của ông mà thôi.
Phan Nguyên
Bình luận