Công nghệ biến rác thành thức ăn cho ấu trùng ở Trung Quốc

Khám pháThứ Tư, 09/08/2023 17:43:27 +07:00
(VTC News) -

Nuôi ấu trùng bằng phế liệu nhà bếp và rác thải sinh hoạt đang được nhiều trang trại ở Trung Quốc ứng dụng làm nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc và phân bón.

Theo các nhà khoa học Trung Quốc và các chuyên gia quốc tế trong ngành, côn trùng được nuôi dưỡng từ chất thải nhà bếp và các loại chất thải hữu cơ khác có thể trở thành một nguồn protein thay thế bền vững cho người dân Trung Quốc trong bối cảnh nguồn dự trữ lương thực ở nước này ngày càng cạn kiệt.

Các loại côn trùng này sẽ được dùng làm nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe vật nuôi và giải quyết vấn đề về nguồn cá đang cạn kiệt, cũng như các mối quan tâm đáng kể về môi trường xung quanh chăn nuôi gia súc.

Theo hãng tin Người quan sát Thượng Hải, cư dân đô thị đông đúc ở Trung Quốc tạo ra một lượng rác nhà bếp khổng lồ mỗi ngày. Cụ thể, chỉ riêng ở Thượng Hải, lượng chất thải ướt trung bình hàng ngày là 9.329 tấn tính từ tháng 3-7/2022. Tuy nhiên, thành phố chỉ có thể xử lý 8.200 tấn/ngày, để lại mức thâm hụt khoảng 1.100 tấn rác thải chưa xử lý mỗi ngày.

Tận dụng thực tế như vậy, các nhà khoa học đã nảy ra ý tưởng dùng lượng chất thải này sau khi đã phân hủy sinh học làm nguồn thức ăn nuôi côn trùng. Như vậy, công nghệ nuôi côn trùng bằng rác thải sẽ cung cấp một giải pháp tiềm năng cho cả hai vấn đề: thiếu lương thực và xử lý chất thải sinh hoạt.

Giun được nuôi bằng chất thải ướt đã qua xử lý sẽ chuyển đổi chất hữu cơ thành một nguồn dinh dưỡng dồi dào – một quá trình hiệu quả, vô hại và bền vững.

Ấu trùng ruồi lính đen ăn chất thải hữu cơ trước khi chúng được thu hoạch để làm thức ăn gia súc và các sản phẩm khác. (Ảnh: Shutterstock)

Ấu trùng ruồi lính đen ăn chất thải hữu cơ trước khi chúng được thu hoạch để làm thức ăn gia súc và các sản phẩm khác. (Ảnh: Shutterstock)

Trang trại côn trùng do Tập đoàn Đầu tư Xây dựng đô thị Thượng Hải thành lập đang thử nghiệm quy trình này, dùng 50 tấn chất thải ướt đã qua xử lý nuôi 11 tấn ấu trùng giàu protein và tạo ra 12,8 tấn phân bón hữu cơ mỗi ngày.

Theo một bài báo xuất bản bởi tạp chí Công nghiệp Hóa chất Quảng Đông, trang trại sử dụng ruồi lính đen (BSF), từ các đồng cỏ nhiệt đới ở Nam Mỹ.

Theo ông Ma Cong, người quản lý dự án, loài côn trùng này được chọn vì vòng đời ngắn, khoảng 35 ngày và khả năng phục hồi mạnh mẽ khiến nó trở nên lý tưởng cho việc trồng trọt.

“Bằng cách nghiền nhỏ chất thải và điều chỉnh hàm lượng nước, các nhà khoa học đã tạo ra môi trường thích hợp cho ấu trùng BSF. Chỉ trong một tuần, ấu trùng ở giai đoạn thứ ba có thể phát triển nhảy cóc thành ấu trùng BSF giai đoạn thứ năm với hàm lượng protein, chất béo cao”, ông nói.

“Phân của những ấu trùng này cũng chứa nhiều chất hữu cơ như nitơ, phốt pho và kali, đồng thời chứa nhiều vi khuẩn có lợi, khiến nó trở thành nguồn phân bón hữu cơ thay thế tuyệt vời”, ông Ma nói thêm.

Theo bài báo, ấu trùng được thu hoạch có thể được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho vật nuôi, dầu sinh học và các sản phẩm khác. Quá trình này có tính bền vững cao, một số ấu trùng khoẻ mạnh được lựa chọn để tiếp tục sinh sản sau khi hóa nhộng.

Trong khi việc nuôi côn trùng bằng chất thải mới chỉ nhen nhóm ở Trung Quốc thì công nghệ này đã được ứng dụng từ lâu ở Hà Lan để cung cấp nguồn protein bền vững và giàu chất dinh dưỡng cho gia súc.

Công ty Protix của Hà Lan, đơn vị tiên phong dẫn đầu về công nghệ này, đã chuyển đổi thành công 65.000 tấn chất thải thành 14.000 tấn ấu trùng, côn trùng. Kết quả là các sản phẩm làm từ côn trùng dành cho vật nuôi, cá và gia súc có giá trị bán lẻ hơn 70 triệu euro (77 triệu USD) vào năm 2023.

Theo Giám đốc điều hành Protix, ông Kees Aarts, dinh dưỡng và môi trường giàu protein từ côn trùng là một nguồn tài nguyên quan trọng cho tương lai, trong đó việc sử dụng chúng làm thức ăn chăn nuôi đóng vai trò là tiền đề.

Ông Aarts cho biết: “Protein từ côn trùng giúp cải thiện chất lượng gan và sức khỏe của da cá hồi; cải thiện bộ lông, hơi thở và sức khỏe tiêu hóa của chó; đồng thời giảm tỷ lệ tiêu chảy và tỷ lệ tử vong ở heo con và gà”.

“BSF có hiệu quả sử dụng thức ăn cao, vòng đời ngắn, có khả năng tiêu thụ các chất hữu cơ cấp thấp. Dù tiêu tốn ít đất và nước hơn nhưng nó có thể tạo ra lượng protein tương đương với thịt gia cầm hoặc nội tạng bò”, CEO Protix nói thêm.

Ngoài việc cung cấp một giải pháp thay thế bền vững hơn cho chăn nuôi truyền thống, chế độ ăn của côn trùng có thể được điều chỉnh để bao gồm những thứ khác ngoài rác thải sinh hoạt hàng ngày, nhằm mở rộng tiềm năng tái chế hầu hết các vật liệu hữu cơ hợp pháp và an toàn thành nguồn protein có giá trị.

Ở Trung Quốc, nơi tiềm năng phát triển của ngành nuôi côn trùng là rất lớn, việc xử lý chất thải ướt để đảm bảo các tạp chất được loại bỏ sẽ là điều cần thiết.

Theo ông Aarts, tương lai của protein từ côn trùng rất hứa hẹn: “Khi các nguồn protein truyền thống tiếp tục cạn kiệt và mối lo ngại về biến đổi khí hậu gia tăng, protein từ côn trùng mang đến một giải pháp thay thế bền vững, bổ dưỡng và hiệu quả”.

Phương Thảo(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn