• Zalo

Con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: 'Lúc ba tôi còn đương chức thì ông không có tiền'

Chính trịThứ Ba, 23/04/2019 07:12:00 +07:00Google News

Trong một lần trả lời báo chí, ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ đã đôi lần nói về người cha của mình - Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

'Lúc ba tôi còn đương chức thì ông không có tiền'

Khi nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/11/2017, ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Tô Lan Hương (Trí Thức Trẻ). Lúc trả lời phỏng vấn, ông Lê Mạnh Hà đã có đôi lần nói về người cha của mình là nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, ông không có tài khoản ngân hàng tiền tỉ, không có biệt thự nọ, chung cư kia như nhiều người nghĩ. Bởi lẽ, thời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn đương chức thì ông không có tiền.

Le Manh Ha

 Ông Lê Mạnh Hà - nguyên Phó Chánh Văn phòng Chính phủ là con trai của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. (Ảnh: Báo Công an Nhân dân).

Ông Hà kể, thời của ông hầu như không có khác biệt gì, tất cả những đứa trẻ sống như nhau, thiếu thốn như nhau, dù xuất thân có "ghê gớm" thế nào đi chăng nữa.

"Hồi đó đang là chiến tranh phá hoại miền Bắc, trẻ con Hà Nội thì đi sơ tán, không có bố mẹ theo nên đâu biết ai với ai. Có những lúc cả một đám trẻ con gia đình quân đội chúng tôi ngồi nói chuyện về quân hàm của  bố, nhưng chỉ là để vui thôi, để chứng tỏ mình biết đọc quân hàm, chứ không phân biệt gì, có đứa còn chưa biết thiếu tá thì to hơn đại úy....", ông Hà kể.

Theo ông Lê Mạnh Hà, thời xưa ba ông công tác ở Bộ Quốc phòng đang đi B (đi chiến đấu ở miền Nam) nên mỗi dịp Tết gia đình ông và gia đình cán bộ quân đội cao cấp đi B khác sẽ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mời đến ăn tiệc năm mới mà theo ông Hà nhớ là tiệc đó có bánh xu xê rất ngon và ngày thường chẳng bao giờ được ăn.

"Hay như mỗi dịp ba tôi ra Bắc công tác, ông sẽ cho xe lên nơi sơ tán đón tôi về thăm nhà và được ăn “tiểu táo” theo tiêu chuẩn của ông do trạm 83 nấu, nhiều món lắm so với bữa ăn của đám trẻ sơ tán nhưng không là gì so với tiệc bây giờ.

Có lần ra Bắc ông được bố trí ở một ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng cùng với bác Nguyễn Văn Linh. Nấu bếp cho cả 2 ông là một cô người miền Nam, tôi nghe nói là có nấu cho Bác Hồ, nấu cơm ngon lắm, rất nhiều món, ngoài sức tưởng tượng lúc bấy giờ, cả 2 gia đình cùng ăn. Mấy anh em tôi được ăn mấy bữa như thế...Đó là vài đặc quyền mà tôi được hưởng", ông Hà nói.

XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT VỀ ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH 

>>>Những bức ảnh hiếm của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên thủ các nước

>>>Nhiệm vụ cơ mật của Đại tướng Lê Đức Anh sau ngày thống nhất đất nước

>>>Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Lời thề bảo vệ Trường Sa của Đại tướng Lê Đức Anh như một lời nhắn nhủ với kẻ thù

Một người cha hiền lành

Theo ông Lê Mạnh Hà, ông và những người em, chị gái của mình luôn tự hào là công dân tốt, là con của vị Đại tướng đã trải qua cả 4 cuộc chiến một cách vinh quang.

"Ba tôi là lính trận. Người ra trận thì có quyền gì ngoài sự hy sinh? Ông ở các chiến trường cho đến năm tôi gần 30 tuổi... Đến tận bây giờ tôi vẫn nhìn ba tôi như một người cha bình thường - chứ không nhìn ông như người ta nhìn Chủ tịch nước. Ở nhà, tôi chỉ thấy ở ông hình ảnh một người cha hiền lành như bao người cha khác và đặc biệt không bao giờ can thiệp vào sự lựa chọn của con cái", ông Hà chia sẻ.

Ông Hà kể lần duy nhất nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói với ông là phải đi nghiên cứu sinh và làm tiền sĩ. Đó cũng là nguyện vọng của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói với người con trai của mình.

Chu tich nuoc Le Duc Anh 3

 Trong mắt các con, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người cha bình dị và hiền lành. (Ảnh: Tiền Phong)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà giải thích: "Thế hệ của ba tôi, đa phần con của các tướng đều được cha hướng vào làm kỹ thuật. Cho nên các trường kỹ thuật đều tập trung con của các lãnh đạo và những sinh viên giỏi là vì thế.

Lúc bấy giờ, nước ta rất chú trọng phát triển vào khoa học-kỹ thuật, cách mạng kỹ thuật là then chốt. Thế nên thế hệ "con ông cháu cha" như tôi thời đó học kỹ thuật là chính, học để làm khoa học, làm kỹ thuật giúp đất nước phát triển lĩnh vực này, không có quan niệm học để làm quan, để thăng tiến. Mà dân kỹ thuật thì hầu như không thành đạt về chức vụ đâu...."

Trả lời nhà báo Tô Lan Hương, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh không nâng đỡ ai mà đánh giá con người qua công việc và đặt họ vào đúng vị trí. Tất nhiên, có thể ông có những đánh giá nhầm con người cụ thể nào đó, nhưng không phải vì họ nịnh nọt rồi ông nâng đỡ.

Có lẽ vì hiểu ba mình nên ông Lê Mạnh Hà không xin cha mình cái gì bao giờ. Có chăng là khi còn bé, nếu muốn mua gì, ông thường sẽ xin ba chứ không xin mẹ vì: "Những ông bố không bao giờ từ chối con cái những đòi hỏi như thế".

Ông Lê Mạnh Hà nói rằng: "Tất cả những nhà chính trị ngày xưa như ba tôi không phải họ muốn làm chính trị, mà họ làm cách mạng, sau đó thì được sắp xếp và được đặt vào vị trí đó. Lúc đi làm cách mạng không ai vì một mục đích phải ở các vị trí như thứ trưởng, bộ trưởng.

Cho nên với con cái thì ba tôi cũng nghĩ như thế, không việc gì phải sắp đặt cho con cái cả. Có lẽ đó là cái trong sáng mà ở thời nay mình không tìm được.".

Tiểu sử nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, sinh ngày 1/12/1920 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5/1938.

Năm 1944, ông tổ chức và Phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Tháng 8/1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, chi đội 1 và Trung đoàn 301.

Từ tháng 10/1948 đến năm 1950, ông là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến 1954, giữ chức tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc.

Tháng 5/1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu; hàm Đại tá (1958).

Từ tháng 8/1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam.

Năm 1969, được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9.

Cuối năm 1974, ông được điều trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Năm 1975, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Từ tháng 5/1976, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Đến tháng 6 năm 1978, là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây-Nam; được phong Thượng tướng năm 1980.

Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng.

Tháng 12/1986, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 16/2/1987 đến 10/8/1991, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phó bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Năm 1991 là Thường trực Bộ chính trị. Năm 1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước.

Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa IV-VIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa V-VIII, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX.

Từ tháng 9/1997, ông nghỉ chức vụ Chủ tịch nước, sau đó trở thành Cố vấn Trung ương Đảng. Đến năm đến tháng 4/2001, ông chính thức nghỉ hưu.

Thái Bình
Bình luận