Tháng 9/2020, Cao Khải An, 12 tuổi, là một trong bốn tác giả nhận giải "Khát vọng Dế mèn" tại Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần thứ nhất, do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, với bản thảo tập truyện "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm".
Song song với quá trình chờ kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn, Cao Khải An tự gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng và ngay lập tức gây bất ngờ cho các biên tập viên của nhà xuất bản.
Với dung lượng 100 trang sách, "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" là liên truyện với 9 truyện ngắn, xuyên suốt là cậu bé Bắp cùng những người thân thương được thể hiện qua góc nhìn hóm hỉnh, tự nhiên, nhưng cũng thật sâu sắc và tình cảm của cậu bé.
Mạch truyện nhanh, dồn dập tình huống bất ngờ. Khi thì Bắp nhốt ông ngoại trong buồng rồi mang bộ trống quẳng xuống mương, do trưa nào ông ngoại Bắp cũng đánh trống làm ồn cả xóm. Khi thì Bắp bị rết cắn chân sưng chù vù mà tưởng bị ung thư sắp chết đến nơi. Cậu liền làm di chúc chia sẵn gia tài của mình: Ngày giỗ và ngày Quốc tế thiếu nhi, mọi người hãy nhớ cúng cho Bắp một ký bò Kobe. Hay để khác biệt với đám đông, Bắp tự lột sạch quần áo, đi ra ngoài đường đứng…
Làm đầy mạch truyện, không khí truyện là giọng văn tỉnh queo, lí lắc, tưng tửng, nhưng sâu bên trong là tình cảm mộc mạc của nhân vật.
Mới đọc, có người sẽ khó tin đây là văn phong của tác giả 12 tuổi. Nhưng tĩnh lại, sẽ nhận ra, chính tác giả nhí mới có thể viết như vậy. Trí tưởng tượng và cách kể tự nhiên, “thả phanh”, không có sự toan tính, e dè hay sắp đặt vẫn thường thấy trong văn của người lớn. Các câu chuyện hiện lên tự nhiên, như chính nghĩ suy, như sự vận động của thế giới con trẻ, dẫu chất trẻ con trong cậu bé Bắp có phần già dặn hơn chúng bạn.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn, nhận định: “Đó là một cuốn sách viết thông minh, đầy bất ngờ, đúng là một cuốn sách dành cho trẻ con. Khải An viết rất hoạt. Đây là cây viết rất có năng khiếu, có dấu hiệu của tài năng".
"Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" được Cao Khải An viết vì dịch COVID-19. Trước giờ Khải An chỉ thích trồng cây, chơi piano, thích chơi với người già và không hề thích đọc sách. Em chỉ bắt đầu đọc sách từ khi phải ở nhà vì đại dịch. Em cũng đọc sách của mẹ và thấy “cũng được”.
Từ đây, Khải An bắt tay vào viết những câu chuyện của riêng mình, và bản thảo được hoàn thành trong vòng bảy tháng. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có đọc và góp ý một số sai sót hoặc những đoạn chưa tốt cho con, nhưng mọi sửa chữa đều do Khải An tự làm.
Cậu con trai út năm nay 12 tuổi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hồn nhiên chia sẻ: "Mẹ em từng nói tác phẩm mà em viết sẽ không giành giải gì vì không có bài học đạo đức ở trong đó".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói thêm, từ trước tới nay các tác phẩm thiếu nhi cuối cùng cũng phải hàm chứa và dạy dỗ một bài học nào đó về đạo đức, song tác phẩm của Khải An lại không thấy dạy dỗ gì qua những trang viết cả nên đúng là chị từng không tin tập truyện này lại được giải. Vì thế khi biết con được giải thật sự bất ngờ với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bởi trước đó con trai chị "học dở" và không thích sách vở.
Cao Khải An là con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khi được hỏi có hi vọng con sau này trở thành nhà văn tài năng giống mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói: “Chị không ngăn cản con viết, nhưng việc con trở thành nhà văn nổi tiếng hay không phụ thuộc vào con chứ không liên quan tới những hi vọng của chị”.
Bình luận